Pháp, Đức kêu gọi sửa đổi Hiệp ước châu Âu

Ngày 5/12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi hình thành một Hiệp ước châu Âu mới vào tháng 3/2012, trong đó nổi bật là các điều khoản kiểm soát chặt chẽ hơn thâm hụt ngân sách của các quốc gia thành viên. Tuyên bố trên được hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đưa ra trong buổi họp báo sau cuộc gặp ở thủ đô Pari của Pháp để bàn cách đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong cuộc gặp trên, Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến việc hình thành một hiệp ước mới cho khu vực đồng tiền chung và những vấn đề thể chế của Liên minh châu Âu (EU).



Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi hình thành một Hiệp ước châu Âu mới vào tháng 3/2012. Ảnh AFP/TTXVN.

Đại diện hai nền kinh tế lớn nhất Châu Âu tuyên bố ủng hộ việc trừng phạt bất cứ thành viên nào của Eurozone để cho mức thâm hụt ngân sách vượt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó. Cơ quan được đề xuất có thẩm quyền xác nhận sự tuân thủ điều khoản này của các quốc gia thành viên là Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Ngoài ra, các nước thành viên còn phải thể hiện cam kết cân bằng ngân sách bằng những đạo luật trong nước.

Dù Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi trước đó cho biết sẽ có hành động can thiệp nhằm bảo vệ các ngân hàng của châu Âu khỏi một cuộc đổ vỡ tín dụng nhưng hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã khẳng định không xem ý tưởng cho ra đời trái phiếu của khu vực đồng ơrô là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang đe dọa nền kinh tế Lục địa Già. Đề thể hiện sự tôn trọng vai trò của ECB, Pháp và Đức đề xuất không nên chỉ trích hay bình luận về hoạt động của thế chế này nhằm đảm bảo tính độc lập của ECB và tránh cho ngân hàng trên phải chịu áp lực từ các nhà lãnh đạo châu Âu.

Theo hai nhà lãnh đạo này, thỏa thuận mới do Đức và Pháp đề xuất phù hợp với 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và các thành viên còn lại của EU gồm 27 nước có thể tham gia trên cơ sở tự nguyện. Đề xuất của Pháp và Đức sẽ được cụ thể hóa trong văn bản gửi Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy vào ngày 7/12. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU sẽ có ba ngày để cân nhắc các đề xuất của Pari và Béclin trước Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brúcxen và cuộc họp ban lãnh đạo ECB tại Phrăngphuốc (Đức) ngày 8/12.

Theo hiến pháp một số nước thành viên EU, các nước này sẽ phải tổ chức trưng cầu ý dân về bất cứ nội dung mới nào mà ông Sarkozy và bà Merkel đề xuất và quy trình này có thể trì hoãn việc thực thi các điều khoản mới nếu chúng được thông qua ở Hội nghị thượng đỉnh EU.


TTXVN/Tin Tức

Giấc mộng về một châu Âu thống nhất đã chấm dứt?
Giấc mộng về một châu Âu thống nhất đã chấm dứt?

Báo chí châu Âu gần đây đã đưa nhiều tin, bài về nỗ lực của Pháp và Đức trong việc tìm kiếm một giải pháp cấp thiết để bình ổn Khu vực đồng euro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN