Phản ứng quốc tế về thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi thỏa thuận mà nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đã đạt được cùng ngày với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, coi đây là một thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ.

Phát biểu trong cuộc họp báo bất thường tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ông Obama cho biết thỏa thuận khung đạt được ngày 2/4 liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, sau 18 tháng nỗ lực ngoại giao “gay cấn và có nguyên tắc”, là một kết quả mang tính lịch sử, mở đường hướng tới một hiệp cuối cùng góp phần làm cho nước Mỹ, các đồng minh của Mỹ và toàn thế giới trở nên an toàn hơn.

Ông chủ Nhà Trắng ví thỏa thuận này giống như Hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, dẫn tới tránh được một nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ cũng đã có các cuộc đàm thoại nóng về việc này với Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron để thảo luận về nội dung của thỏa thuận khung vừa đạt được với Iran.

Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng theo nội dung của thỏa thuận khung, trữ lượng urani làm giàu cấp độ cao của Iran sẽ bị cắt giảm tới 98% trong 15 năm, nhà máy Fordo sẽ được sử dụng cho mục đích hòa bình và lò phàn ứng Arak sẽ ngừng sản xuất plutoni cấp độ dùng cho vũ khí.

Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh thỏa thuận khung trên, cho rằng đây là động thái công nhận "quyền vô điều kiện" của Tehran trong việc theo đuổi một chương trình hạt nhân dân sự.

Trả lời họp báo, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng một thỏa thuận hạt nhân đầy đủ với Iran sẽ cho phép nước này tham gia vào thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh thỏa thuận khung nói trên, cho rằng nó sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói rằng thỏa thuận khung trên là "bước xa rời đáng báo động" khỏi những mục tiêu ban đầu của Tổng thống Obama. Về phần mình, giới chức chính quyền Israel tuyên bố thỏa thuận khung giữa Iran và cường quốc sẽ được nhớ đến như một "lỗi lầm lịch sử".

Nội dung thỏa thuận hạt nhân Iran dự kiến đạt được 

Một nguồn tin Phương Tây cho biết Iran và 6 cường quốc gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức (nhóm P5+1) đã nhất trí rằng 2/3 năng lực làm giàu urani của Iran sẽ bị hủy bỏ và bị giám sát trong 10 năm nếu các bên đạt được 1 thỏa thuận toàn diện vào trước ngày 30/6.

Theo nguồn tin trên, nếu đạt được thỏa thuận cuối cùng, Tehran sẽ pha loãng hoặc chuyển ra nước ngoài hầu hết trữ lượng urani đã làm giàu. Sau 10 năm đầu tiên, quá trình nghiên cứu và phát triển máy ly tâm sẽ bị hạn chế và bị giám sát. Các hạn chế khác nhau đối với chương trình hạt nhân của Iran sẽ tiếp tục trong vòng 1/4 thế kỷ. Nếu Tehran tuân thủ thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ dần được dỡ bỏ. Nguồn tin nói rằng đây là một phần trong sự nhất trí sơ bộ về chính trị đạt được giữa Tehran và 6 cường quốc trong ngày 2/4.

Trong khi đó, truyền thông Iran dẫn nguồn thạo tin phái đoàn đàm phán Iran cho hay nước này sẽ giảm số máy ly tâm làm giàu urani từ 19.000 xuống còn 6.000 theo như một phần trong thỏa thuận hạt nhân kéo dài 10 năm. Trong số 6.000 máy được giữ lại này sẽ bao gồm khoảng 1.000 máy ly tâm, vốn có thể được sử dụng để làm nguyên liệu cho máy phát điện hoặc cho vũ khí hạt nhân, tại cơ sở Fordo song chúng sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu thuần túy.


TN (Theo AFP, Reuters)
Bên trong phòng đàm phán thâu đêm về hạt nhân Iran
Bên trong phòng đàm phán thâu đêm về hạt nhân Iran

Thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran là một thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ suốt 18 tháng "gay cấn và có nguyên tắc", kết thúc là giai đoạn nước rút với 8 ngày thương lượng và mặc cả thâu đêm tại Lausanne, Thuỵ Sỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN