Phản ứng của Triều Tiên sau vụ thử ICBM thất bại của Mỹ

Triều Tiên đã lên án vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thất bại của quân đội Mỹ, cảnh báo sẽ có phản ứng mạnh mẽ trước các hành động khiêu khích và liều lĩnh của Lầu Năm Góc trên bán đảo Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III không có vũ khí của Mỹ trong cuộc thử nghiệm tại Căn cứ Không quân Vandenberg, California, ngày 14/5/2018. Ảnh: Lực lượng Không quân Mỹ

Trong bình luận do hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa ra ngày 3/11, Bình Nhưỡng đã đáp trả vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III của Washington hồi đầu tuần này. Theo Không quân Mỹ, tên lửa này đã bị bắn hạ giữa chừng do “sự cố bất thường” không xác định sau khi phóng từ căn cứ vũ trụ Vandenberg ở bang California.

“Các động thái quân sự chống Triều Tiên gần đây và đang diễn ra của Mỹ là những hành động thù địch vô cùng khiêu khích và liều lĩnh, làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên”, KCNA tuyên bố và cho biết thêm rằng Triều Tiên đã chuẩn bị phản ứng ngay tức thì, áp đảo và quyết liệt.

Bình Nhưỡng cũng tố cáo gần đây, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom B-52 có khả năng hạt nhân tới Hàn Quốc. Triều Tiên cho rằng “hành động tăng cường vũ khí hạt nhân của Washington là nỗ lực nguy hiểm nhằm đạt được quyền bá chủ quân sự”.

Trước đó, ngày 1/11, Chuẩn tướng Pat Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III tại căn cứ vũ trụ Vandenberg. Ông cho rằng cuộc thử nghiệm này sẽ chứng minh độ tin cậy của hệ thống răn đe chiến lược của Mỹ, đồng thời gửi thông điệp đảm bảo rõ ràng tới các đồng minh của Washington.

Mặc dù vụ thử cuối cùng đã thất bại, nhưng quân đội Mỹ cho biết nó đã cung cấp dữ liệu quan trọng và lực lượng không quân nước này cũng rút ra bài học từ mỗi lần thử nghiệm. Các quan chức nhấn mạnh những cuộc thử nghiệm đó đảm bảo “độ tin cậy và độ chính xác liên tục” của Minuteman III đã cũ, biến thể đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 1970.

Đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden cho biết Lầu Năm Góc sẽ tăng cường hiện diện thường xuyên các khí tài quân sự chiến lược trên bán đảo Triều Tiên, hy vọng động thái này sẽ cải thiện khả năng răn đe chống lại Bình Nhưỡng. Ngay sau đó, Lầu Năm Góc đã điều một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân tới Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1981. Động thái này cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía Triều Tiên.

Tháng 9 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã hệ thống hóa học thuyết vũ khí hạt nhân mới thành luật. Theo luật mới, việc sở hữu loại vũ khí này là “không thể đảo ngược”. Luật mới đồng thời cũng cho phép Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu nếu cuộc tấn công của kẻ thù “được đánh giá là sắp xảy ra”.

Trong tuyên bố ngày 3/11, Triều Tiên cho biết mối đe dọa hạt nhân do Mỹ đặt ra đang “tiến đến một lằn ranh nguy hiểm mới”. Đồng thời, Bình Nhưỡng nói thêm rằng việc phát triển kho vũ khí nguyên tử chính là hành động thực hiện quyền tự vệ.

Triều Tiên đã tăng cường các vụ thử tên lửa kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, coi đây là phản ứng chính đáng trong bối cảnh các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn ngày càng diễn ra thường xuyên hơn trong khu vực. Washington, Seoul và các đồng minh khác đã nhiều lần chỉ trích các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, coi đây hành động khiêu khích, trái luật pháp quốc tế và khẳng định cuộc tập trận của các đồng minh hoàn toàn mang tính chất phòng thủ.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Tổng thống Nga ký luật về hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện
Tổng thống Nga ký luật về hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện

Hãng tin TASS ngày 2/11 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật về việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Luật này đã được Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng liên bang Nga (Thượng viện) thông qua trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN