Phần Lan-Estonia sẽ tích hợp tên lửa phòng thủ, khoá chân Nga ở Vịnh Phần Lan nếu cần

Phần Lan và Estonia dự định sẽ tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển, cho phép khoá chân tàu chiến Nga ở Vịnh Phần Lan nếu cần thiết.

Chú thích ảnh
Một nhóm lớn tàu NATO đang vào biển Baltic. Ảnh: weaponews

Theo đài RT (Nga), Tallinn và Helsinki đã thảo luận về việc tích hợp các khẩu đội tên lửa bờ biển có thể cho phép hai nước này kìm chân Hải quân Nga ở Vịnh Phần Lan. Đây là thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Estonia ngày 12/8.

Kế hoạch này sẽ biến Biển Baltic thành “biển nội bộ của NATO”, quan chức này nói, nhắc lại những bình luận trước đó của các nhà lãnh đạo Ba Lan và Litva.

“Chúng tôi cần phải tích hợp hệ thống phòng thủ ven biển của mình. Tầm bay của tên lửa Estonia và Phần Lan lớn hơn chiều rộng của Vịnh Phần Lan”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nói với tờ Iltalehti của Phần Lan.

Tên lửa bờ biển MTO85M của Phần Lan có tầm bắn hơn 100 km, trong khi Vịnh PHần Lan chỉ rộng khoảng 82 km từ Helsinki đến Tallinn. Estonia có kế hoạch mua tên lửa Blue Spear của Israel vào cuối năm nay, tên lửa này có tầm bắn gần 300 km.

“Biển Baltic sẽ là biển nội bộ của NATO khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. So với hiện nay, tình hình đang thay đổi ”, ông Pevkur nói và cho biết thêm rằng hai nước sau đó sẽ có thể đóng cửa biển với Hải quân Nga nếu cần.

Hiện nay đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đã được Ba Lan và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở khu vực Biển Baltic hưởng ứng rất nhiệt tình. Sau hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Tây Ban Nha vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkevics đều cho biết họ hy vọng biển Baltic sẽ trở thành một “hồ NATO”.

Bộ trưởng Pevkur cho biết ông cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan tới không phận với đồng cấp Phần Lan, mặc dù ông né tránh câu hỏi của tờ Iltaleht rằng liệu Mỹ có triển khai máy bay chiến đấu F-35 tới Estonia hay không.

“Đối với tôi, đây là một vùng trời. Không phận Phần Lan không thể được bảo vệ nếu không phận Estonia đồng thời không được bảo vệ, và ngược lại. Máy bay chiến đấu vượt qua Vịnh Phần Lan rộng 80 km trong vài phút”, ông Pevkur nói.

Estonia là một trong những thành viên NATO thẳng thắn nhất trong việc thúc giục một cuộc đối đầu với Nga. Hôm 11/8, Tallinn thông báo họ sẽ cấm nhập cảnh đối với người Nga có thị thực Schengen của Liên minh Châu Âu bắt đầu từ tuần tới, và phá bỏ tất cả các tượng đài thời Liên Xô “càng sớm càng tốt”.

"Trong một tuần nữa, lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với thị thực Schengen do Estonia cấp. Người có thị thực từ Nga sẽ bị hạn chế. Họ sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Estonia", Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nói ngày 11/8. 

Chính phủ Đức cho biết dự thảo đề xuất cấm cấp thị thực Schengen đối với công dân Nga đã được một số quốc gia đệ trình lên EU và vấn đề này đã nằm trong chương trình nghị sự của EU trong cuộc họp tới đây.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga hiện tại của phương Tây là "yếu", bày tỏ mong muốn EU ra đòn cấm vận mạnh mẽ hơn với việc cấm đi lại đối với tất cả người Nga ít nhất một năm.

Một số quốc gia EU khác, như Litva, Latvia, Ba Lan và Cộng hòa Séc, cũng đã áp dụng các hạn chế về thị thực, nhưng lệnh cấm trên toàn EU sẽ phải cần sự chấp thuận của tất cả 27 thành viên của khối. 

Thị thực Schengen cho phép đi lại không biên giới giữa 26 quốc gia châu Âu. EU đã đình chỉ việc đi lại bằng đường hàng không với Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, nhưng các nước trong khối Schengen vẫn tiếp tục cấp thị thực cho người Nga.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Ukraine có thể hết sạch tên lửa HIMARS trong 3 tháng tới, Mỹ không sản xuất kịp
Ukraine có thể hết sạch tên lửa HIMARS trong 3 tháng tới, Mỹ không sản xuất kịp

Nguồn cung cấp tên lửa cho Hệ thống Tên lửa Cơ động Cao (HIMARS) mà Mỹ viện trợ cho Ukraine có thể sẽ cạn kiệt trong vòng ba hoặc bốn tháng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN