Pêru: Loài mới, nguy cơ mới

Khu vực rừng Amazon ở đất nước Pêru nổi tiếng cả thế giới nhờ sự đa dạng sinh học. Tại khu vực này, trung bình mỗi năm có thêm một loài chim và bốn năm có thêm một loài động vật có vú được phát hiện. Tuy nhiên, sau khi tìm ra được một loài mới, người ta lại phải lo bảo vệ loài đó trước mối đe dọa tuyệt chủng.

Loài ếch mới được phát hiện ở Pêru. Ảnh: Internet


Nhờ rừng Amazon, Pêru có số lượng chim nhiều thứ hai trên thế giới với 1.800 loài. Đất nước này cũng là một trong 5 quốc gia có số lượng động vật có vú nhiều nhất với 515 loài, trong khi bò sát có 418 loài. Chỉ riêng năm 2010, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loài đỉa và một loài muỗi mới. Số lượng động vật ở Pêru luôn tăng trong những năm gần đây với những cái tên mới được thêm vào danh sách như loài ếch độc tí hon với cái đầu đỏ như lửa và chân màu xanh da trời, loài chim ruồi cổ tím hay loài đỉa "khủng long" có 8 răng.

Theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), có hơn 1.200 loài động thực vật mới được phát hiện ở khu vực Amazon trong 100 năm qua. Nhưng có một nghịch lý là các loài mới thường được phát hiện trong chính những hoạt động gây hại cho rừng Amazon nhất. Giám đốc chương trình Amazon của WWF ở Pêru, ông Michael Valqui cho biết một thực tế: "Phần lớn những loài mới không được tìm thấy khi thực hiện các chuyến thám hiểm khoa học tốn kém mà thường được tìm thấy khi công nhân đào các khu vực thăm dò dầu, khai mỏ hay khai thác gỗ. Do đó, loài mới được phát hiện sẽ gặp nguy hiểm khi nơi ở duy nhất của chúng bị xâm phạm".

Pêru đã vượt chỉ tiêu bảo vệ 12% lãnh thổ đến năm 2012 theo Thỏa thuận về đa dạng sinh học (CBD). Đến nay, quốc gia này đã có hơn 15% diện tích lãnh thổ nằm trong diện bảo tồn và đang phấn đấu đạt con số 30%. Tuy nhiên, cơ quan phụ trách các khu vực bảo tồn quốc gia không thể bảo vệ, quản lý các khu bảo tồn một cách đầy đủ do thiếu nhân lực và vốn trong khi công tác quản lý còn hạn chế và chưa được hỗ trợ đầy đủ về mặt chính trị. Trong tổng số 64 khu bảo tồn, chỉ có phân nửa có đại diện của cơ quan bảo tồn ở địa phương và cơ quan đại diện này cũng chưa đủ mạnh.

Điều đó khiến các nhà môi trường lo ngại về đa dạng sinh học và các loài sống cả ở trong và ngoài khu vực được bảo vệ. Ông Ivan Lanegra, đại diện văn phòng thanh tra viên Pêru cho rằng, vẫn chưa rõ chính phủ Pêru dự định thực hiện những hành động nào để bảo vệ đa dạng sinh học. Trong khi đó, ông Gerard Herail thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển IRD (Pháp) ở thủ đô Lima lưu ý rằng, bản chất hoạt động của các công ty khai mỏ và những công ty tương tự không phải là hủy hoại môi trường. Vấn đề là các công ty đó có sử dụng những phương pháp và công nghệ sạch hay không.

Nhiều chuyên gia cho biết, số loài biến mất khỏi thế giới còn lớn hơn số loài mới được phát hiện hay nói cách khác, nhiều loài có thể biến mất trước khi con người tìm ra chúng. Tuy nhiên, đại diện IRD cho rằng các tổ chức có thể phát triển những chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học tương tự như chiến lược đã thực hiện thành công trong bảo vệ loài cá Arapaima, một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới.

Theo con số năm 2004, Pêru có 21 loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao, trong đó có sóc sinsin đuôi ngắn và dơi tai nhọn. Loài tắc kè Lima cũng nằm trong diện bị đe dọa nghiêm trọng. Nơi sống của chúng là những ngóc ngách tối tăm nhất của các khu vực nghĩa địa và khu vực tôn giáo cổ xưa rải rác ở Lima và vùng bờ biển. Công việc của các nhà khảo cổ học đang phá hủy môi sinh của loài tắc kè này và khiến số lượng của chúng giảm trông thấy. Theo ông Valqui thuộc WWF, đây là ví dụ rõ ràng nhất minh họa mối quan hệ phức tạp giữa công tác bảo tồn và mối đe dọa tuyệt chủng đối với các loài mới được phát hiện ở Pêru.

Thùy Dương
(Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN