Pakixtan xem xét lại mọi thỏa thuận với Mỹ và NATO

Sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ISAF (Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế) tấn công vào các vị trí bên trong biên giới Pakixtan gây nhiều thương vong, ngày 27/11, chính phủ Pakixtan tuyên bố sẽ xem xét lại tất cả các thỏa thuận với Mỹ và liên quan tới các hoạt động ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo.

Người dân Pakixtan đốt cờ Mỹ để phản đối các vụ tấn công của NATO khiến 24 binh sĩ Pakixtan thiệt mạng. Ảnh: AFP/TTXVN


Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp bất thường diễn ra cùng ngày của Ủy ban Quốc phòng Nội các (DCC), do Thủ tướng Pakixtan Yousuf Raza Gilani chủ trì, với sự tham gia của các bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và các tư lệnh quân đội.

Tuyên bố do Văn phòng Thủ tướng Pakixtan đưa ra sau cuộc họp nêu rõ: "DCC quyết định chính phủ Pakixtan sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các chương trình, hoạt động cũng như các thỏa thuận hợp tác với Mỹ/NATO/ISAF liên quan tới các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo". Ngoài ra, DCC cũng giữ nguyên quyết định trước đó là đóng cửa biên giới đối với các xe tải tiếp tế của NATO. DCC đồng thời yêu cầu Mỹ bỏ trống căn cứ không quân Shamsi ở tỉnh Baluchistan (tây nam Pakixtan) trong vòng 15 ngày.

Trong tuyên bố, DCC mạnh mẽ lên án vụ tấn công của NATO và ISAF nhằm vào các vị trí bên trong biên giới Pakixtan ở Mohmand làm nhiều quân nhân nước này chết và bị thương. Các vụ tấn công đã vi phạm chủ quyền Pakixtan, vi phạm luật pháp quốc tế và làm tổn hại nghiêm trọng nền tảng cơ bản của sự hợp tác giữa Pakixtan với NATO và ISAF trong cuộc chiến chống các lực lượng phiến quân và khủng bố. DCC nhấn mạnh, các cuộc tấn công vào những vị trí đóng quân trong lãnh thổ Pakixtan là không thể chấp nhận được và sẽ bị đáp trả thích đáng, đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá.

Sau phản ứng giận dữ của Pakixtan, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã lên tiếng bày tỏ lấy làm tiếc về vụ tấn công, cho rằng đây không phải là vụ tấn công “cố ý”, đồng thời cho biết sẽ điều tra và rút ra một bài học sau vụ việc.

Trước đó, giới chức tình báo Pakixtan cho biết, ngày 26/11, các trực thăng của NATO từ Ápganixtan đã thâm nhập vào khu vực đông bắc của nước này, tấn công một chốt kiểm soát quân sự gần biên giới làm 24 binh sĩ Pakixtan thiệt mạng. Theo một người phát ngôn của quân đội Pakixtan, vụ tấn công diễn ra vào lúc rạng sáng tại khu vực Baizai của bộ tộc Mohmand, nơi các binh sĩ của nước này đang chiến đấu chống lại lực lượng Hồi giáo Taliban. Các trực thăng của NATO đã xả súng bừa bãi vào chốt kiểm soát quân sự của Pakixtan tại khu vực trên trong khi không hề bị khiêu khích.

Chính phủ Pakixtan coi hành động trên của NATO là vi phạm trắng trợn chủ quyền của Ixlamabát. Phản ứng đầu tiên sau vụ việc trên, chính quyền Pakixtan đã phong tỏa tuyến đường tiếp tế hậu cần hết sức quan trọng cho binh sĩ NATO đang chiến đấu ở Ápganixtan. Ước tính khoảng 40 xe tải và xe bồn chở nhiên liệu đã buộc phải từ cửa khẩu Jamrud quay trở lại vì lệnh phong tỏa tuyến đường này.

Thủ tướng Pakixtan Gilani ngày 26/11 đã mạnh mẽ lên án cuộc tấn công của NATO. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakixtan nêu rõ: "Theo chỉ thị của thủ tướng, Bộ Ngoại giao sẽ xử lý vụ việc này với những ngôn từ mạnh mẽ nhất lên án NATO và Mỹ". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakixtan, Tehmina Janjua, đã miêu tả vụ không kích của NATO là "một cuộc tấn công chủ quyền" của Pakixtan. Bà Janjua khẳng định Pakixtan đã gửi phản đối chính thức tới Bộ Ngoại giao Mỹ. Bộ Ngoại giao Pakixtan ngày 27/11 đã triệu đại sứ Mỹ tại Ixlamabát đến để trao công hàm phản đối chính thức vụ việc này.

Cuộc tấn công trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Pakixtan đang căng thẳng sau khi các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột kích giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden ở thị trấn Abbottabad nằm sâu trong lãnh thổ Pakixtan hồi tháng 5 năm nay.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN