Ông Putin trở lại Điện Kremlin

Ngày 7/5/2012, ông Vladimir Putin, 60 tuổi, làm lễ nhậm chức tổng thống Nga. Đây là lần thứ ba ông vào Điện Kremlin, nhưng khác với hai lần trước là nhiệm kỳ của ông đã tăng từ 4 năm lên 6 năm và tình hình chính trị - xã hội của nước Nga đã có nhiều thay đổi.

Đối phó với những thách thức mới

Việc một bộ phận khá đông dân chúng Nga quay sang ủng hộ phe đối lập đang đặt ra cho ông Putin và chính quyền mới những thách thức không nhỏ, buộc họ phải thay đổi và áp dụng những cải cách mới cho phù hợp với tình hình mới. Ông Putin đã vạch ra một cương lĩnh tranh cử được đánh giá là chương trình hành động cụ thể của tổng thống và nội các Nga trong 6 năm tới với trọng tâm là tăng cường khối đoàn kết các dân tộc sinh sống tại LB Nga, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các khoản chi xã hội, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia cũng như sự ổn định chiến lược trên thế giới.

Giây phúc xúc động của ông Putin sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga.

Trước khi nhậm chức tổng thống, ông Putin tuyên bố, giành được thắng lợi trong bầu cử chỉ là bước khởi đầu cho quá trình lâu dài tiếp theo nhằm thực hiện trước sau như một và thành công những mục tiêu được nêu ra trong cương lĩnh tranh cử này. Chính vì vậy, sau khi đắc cử, ông đã chỉ thị ngay cho các thành viên chính phủ Nga vạch lộ trình để thực hiện nội dung của cương lĩnh tranh cử. Trước mắt, Nga sẽ có những thay đổi và cải cách quan trọng như: Đơn giản hóa thủ tục đăng ký, hoạt động và tranh cử của các chính đảng; Ngoài việc tham gia chính quyền lập pháp, đại diện các chính đảng đối lập sẽ được mời tham gia chính quyền hành pháp các cấp, từ cấp liên bang đến các địa phương; Áp dụng bầu cử trực tiếp lãnh đạo các tỉnh - thành với nhiệm kỳ không quá 5 năm và mỗi người không được giữ cấp lãnh đạo này quá hai nhiệm kỳ liên tục.

Bên cạnh cải cách chính trị, ông Putin chủ trương phát triển kinh tế theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu nhiên, nguyên liệu, ưu tiên phát minh - sáng chế, tăng năng suất và hiệu quả để đến năm 2020 Nga có thể lọt vào nhóm 5 cường quốc kinh tế thế giới.

Một hướng ưu tiên khác trong hoạt động của chính quyền được ông Putin nêu ra là củng cố và hiện đại hóa quân đội nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và sự ổn định chiến lược trên thế giới. Ông Putin cho biết trong thập kỷ tới, chính phủ Nga sẽ chi 772 tỷ USD để chế tạo 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, 2.300 xe tăng thế hệ mới nhất, 600 máy bay chiến đấu hiện đại, ít nhất 100 vệ tinh phục vụ mục đích quân sự; 8 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, 50 tàu chiến, pháo, hệ thống phòng không và khoảng 17.000 xe thiết giáp chở quân mới. Ông Putin cũng cảnh báo các kế hoạch xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ sẽ bị ngăn chặn bằng các thế hệ vũ khí mới nhằm bảo vệ khả năng răn đe hạt nhân chiến lược hiệu quả của Nga.

Đông đảo người dân Nga đã xuống đường ăn mừng chiến thắng của ông Putin.

Ông Putin cũng đã nêu ra những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2015, chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được đổi mới mạnh mẽ theo hướng sử dụng các chuyên gia giỏi và có sự tham gia của đại diện các lực lượng chính trị khác nhau. Tuy nhiên, biên chế của các bộ - ngành sẽ giảm khoảng 100.000 người đến năm 2013. Nhà nước đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu việc làm chất lượng cao và đến năm 2020, tiền lương trung bình cần được tăng 60-70% và đạt 25.600 rúp/tháng (khoảng 850 USD). Tuổi thọ trung bình của người Nga sẽ được tăng lên 75 tuổi sau khi đã đạt mức 70 tuổi vào cuối năm 2011 (tăng 2,4 năm so với năm 2008). Chính phủ cũng đặt mục tiêu giải quyết về cơ bản vấn đề cung cấp nơi ở cho dân chúng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.

Ông cho biết, ngay sau lễ nhậm chức sẽ ra sắc lệnh đầu tiên nhằm thực hiện "các lộ trình" liên quan đến chương trình tranh cử của mình như tiếp tục tăng dân số, phát triển nước Nga hiện đại phục vụ mọi công dân Nga, tạo ra những việc làm mới có chất lượng cao, phát triển một nền kinh tế có sức cạnh tranh và có chất lượng cao trong thành phần Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), củng cố vị thế nước Nga trên thế giới, trước hết thông qua quá trình liên kết mới trong không gian Âu - Á, trong đó có việc thành lập Liên minh kinh tế Âu - Á trước năm 2015.

Không ít thuận lợi

Ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ ba không chỉ với những khó khăn, phức tạp, mà còn có những thuận lợi đáng kể. Như ông và Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev từng tuyên bố, nước Nga đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu với thiệt hại nhỏ nhất và vào đầu năm 2012, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nga đã vượt mức trước khủng hoảng, tăng 4,3% và 4,8% trong hai tháng đầu năm, cho thấy nền kinh tế Nga đã hoàn toàn khắc phục được các hậu quả của thời kỳ khủng hoảng 2008 - 2010. Năm 2011, GDP của Nga đã đạt 41.421 tỷ rúp so với mức 41.277 tỷ rúp của năm 2008 (hiện 29-30 rúp đổi được 1 USD). Ngành nông nghiệp trong năm qua đã bội thu, thu hoạch hơn 94 triệu tấn ngũ cốc, tăng gần 40% so với năm 2010. Một thành tích chủ yếu khác là tổng dân số Nga vào cuối năm 2011 đã đạt 143 triệu người, trong đó, thời kỳ 2008-2011 đã tăng hơn 7 triệu người. Trong 4 năm qua, gần 1,5 triệu người Nga, trong đó có hơn 200.000 cựu chiến binh của cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, đã được nhận nhà ở mới và khoảng 16 triệu người đã được cải thiện điều kiện ở. Chính phủ đã đưa vào hoạt động hơn 2.000 cơ sở sản xuất mới, 30 trung tâm y tế công nghệ cao và 5.000 công trình thể thao mới, đưa vào canh tác thêm 5 triệu hécta đất nông nghiệp, thành lập 9 trường đại học và 29 trung tâm nghiên cứu - đào tạo. Thu nhập thực tế của người Nga đã tăng 2,4% năm 2008, 3,1% năm 2009, 5,1% năm 2010 và gần 1% trong năm 2011. Tiền lương trung bình của thời kỳ 2008-2011 đã tăng 18%.

Đặc biệt là trong 6 năm tới chèo chống con thuyền LB Nga, tân Tổng thống Putin sẽ nhận được sự ủng hộ của đảng UR chiếm đa số tại Quốc hội Nga, của chính phủ mới do “chiến hữu” thân cận của ông là ông Medvedev đứng đầu và của đại đa số dân chúng Nga, những người đã tin tưởng ông trong suốt hơn một thập kỷ qua và vẫn đặt niềm tin vào ông với hy vọng tương lai của đất nước và của gia đình mình đã được đặt đúng chỗ.

Chân dung Tổng thống Putin

Ông Putin sinh ngày 7/10/1952 trong một gia đình công nhân, bố từng tham gia Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945, mẹ đã sống qua những ngày Leningrad (Saint Petersburg ngày nay) bị phát xít Đức phong tỏa. Bố mẹ ông sinh được ba người con trai, nhưng hai anh của ông đều tử vong sớm. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật Trường Đại học tổng hợp Leningrad năm 1995, ông đã vào làm việc tại Ủy ban An ninh quốc gia (KGB). Ông Putin được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) khi còn là sinh viên và vẫn đứng trong hàng ngũ của Đảng cho đến khi CPSU bị cấm hoạt động vào năm 1991. Ông từng có 5 năm (1985-1990) làm việc tại CHDC Đức, sau đó từng kinh qua công tác quản lý ở Hội đồng thành phố và Tòa thị chính Saint Petersburg (với chức cao nhất là Phó Thị trưởng thứ nhất). Năm 1996, ông chuyển về thủ đô Mátxcơva, đảm đương nhiều cương vị lãnh đạo tại Phủ tổng thống và Hội đồng An ninh liên bang.

Ngày 9/8/1999, ông được Tổng thống lúc đó Boris Yeltsin bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng Nga và ngày 16/8/1999 chính thức trở thành Thủ tướng Nga. Ngày 31/12/1999, sau khi ông Yeltsin từ chức, ông Putin được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống Nga và sau đó đắc cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử năm 2000. Ông đã đảm đương cương vị nguyên thủ quốc gia LB Nga hai nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp (2000-2008), sau đó chuyển sang làm Thủ tướng Nga nhiệm kỳ 2008-2012. Tại cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3/2012, ông đã tái đắc cử để làm Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ ba. Ông có vợ, hai con gái đã trưởng thành, say mê các môn thể thao trượt tuyết, sambo và Judo, không hút thuốc lá và không nghiện rượu, biết thành thạo tiếng Đức và tiếng Anh.

Đình Lanh(P/v TTXVN tại Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN