OECD đánh giá tăng trưởng toàn cầu ở mức 'dưới trung bình'

Ngày 19/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023, song hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 trong bối cảnh biện pháp tăng lãi suất nhằm ghìm cương lạm phát đã gây ra những thiệt hại đối với kinh tế. 

Chú thích ảnh
Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, OECD dự kiến kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2023, cao hơn mức dự báo 2,7% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, OECD cho rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức "dưới trung bình", giảm xuống còn 2,7% trong năm 2024, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. 

Trong tuyên bố, OECD nêu rõ: "Sau khởi đầu năm 2023 cao hơn dự kiến nhờ giá năng lượng giảm và Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ ở mức vừa phải". Theo OECD, tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ "đang ngày càng trở nên rõ ràng", niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm và phục hồi của Trung Quốc cũng yếu dần.

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế giá tiêu dùng tăng vọt sau khi xung đột bùng phát tại Ukraine năm 2022. 

OECD nhận định lạm phát có thể giảm dần trong năm 2023 và 2024 song vẫn cao hơn mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đặt ra tại hầu hết các nền kinh tế. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục vào tuần trước, song đồng thời phát đi tín hiệu đây có thể là lần tăng cuối cùng, trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) cũng được cho là ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 19-20/9. Hiện mức tăng giá tiêu dùng đã hạ dần ở Mỹ và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed và ECB đề ra, trong khi giá dầu đã phục hồi trong những tuần gần đây. 

Tuyên bố của OECD nêu rõ: “Ngay cả khi lãi suất không tăng thêm, tác động của các đợt tăng trước đó sẽ tiếp tục được ghi nhận ở các nền kinh tế trong một thời gian nữa”. Thực tế, chi phí đi vay đối với các công ty và hộ gia đình đã tăng lên, trong khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt. Một số nước ghi nhận tỷ lệ nợ quá hạn và tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán gia tăng.

OECD cảnh báo cuộc khủng hoảng tại các ngân hàng của Mỹ hồi tháng 3 và vụ sáp nhập ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) cho thấy “vẫn còn rủi ro” và lãi suất cao hơn có thể “gây căng thẳng trong hệ thống tài chính”.

OECD nhận định suy giảm kinh tế Trung Quốc mạnh hơn dự kiến cũng là một yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gặp khó khăn sau 3 năm COVID-19 cùng với khoản nợ khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 5,1% trong năm 2023 và 4,6% trong năm 2024, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Dù nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ, song OECD lưu ý tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể giảm từ mức 2,2% trong năm 2023 xuống còn 1,3% trong năm 2024. Đối với eurozone, OECD hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này xuống còn 0,6% trong năm nay và 1,1% vào năm 2024 trong bối cảnh kinh tế Đức gặp khó khăn. Trong khi đó, OECD nâng mức dự báo tăng trưởng của Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức 1,8% trong năm 2023, sau đó giảm còn 1,0% trong năm 2024.

Ngọc Hà (TTXVN)
Trở ngại với kinh tế toàn cầu khi lãi suất tăng
Trở ngại với kinh tế toàn cầu khi lãi suất tăng

Theo nhận định của các chuyên gia, việc thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu gây sức ép lên hoạt động kinh tế toàn cầu và có thể khiến tăng trưởng giảm tốc trong nửa cuối năm nay. Thậm chí, việc các ngân hàng trung ương trì hoãn cắt giảm lãi suất còn được cho là nguyên nhân dẫn tới sự bi quan hơn trong các dự báo cho năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN