Ô nhiễm bụi mịn 'bủa vây' Trung Quốc và Nam Á

Các nghiên cứu được công bố ngày 25/2 cho thấy gần 90% trong 200 thành phố ô nhiễm không khí do bụi mịn đường kính nhỏ hơn 2,5 micrometer (PM2.5) ở mức cao nhất thế giới được ghi nhận tại Trung Quốc và Ấn Độ. Phần lớn các thành phố trong 10% còn lại là tại Pakistan và Indonesia.

Chú thích ảnh
 Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 28/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2019 do IQAir và tổ chức môi trường Greenpeace cùng công bố, nếu tính tới yếu tố dân số, Bangladesh là quốc gia ô nhiễm không khí do lượng bụi mịn PM2.5 ở mức nghiêm trọng nhất. Kế đến là Pakistan, Mông Cổ, Afghanistan và Ấn Độ.

Dựa vào dữ liệu thu thập từ gần 5.000 thành phố trên toàn cầu, báo cáo chỉ ra rằng trong số các thành phố lớn từ 10 triệu dân trở lên, thủ đô New Delhi của Ấn Độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nhất thế giới trong năm 2019. Sau đó là Lahore của Pakistan, thủ đô Dhaka của Bangladesh, thành phố Kolkata (Ấn Độ), thị trấn Lâm Nghị và Thiên Tân tại Trung Quốc, và thủ đô Jakarta của Indonesia.

Trong tốp 10 thành phố hơn 10 triệu dân ô nhiễm nhất thế giới nói trên còn có Vũ Hán - vùng tâm điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2, cùng với Thành Đô và thủ đô Bắc Kinh.

Dù mật độ bụi PM2.5 trung bình tại khu vực thành thị của Trung Quốc đã giảm 20% trong năm 2018 và 2019, nhưng năm ngoái, 117 thành phố ở nước này vẫn nằm trong tốp 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Tất cả ngoại trừ 2% số thành phố trên toàn Trung Quốc đều vượt ngưỡng khuyến cáo PM2.5 ở mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cụ thể, theo tiêu chí của tổ chức này, mật độ PM2.5 không được vượt quá 25 microgram/m3 khí trong vòng 24 giờ, trong khi con số ghi nhận tại Trung Quốc là 35  microgram/m3.

WHO cho rằng đa số trong 7 triệu ca chết yểu là do PM2.5 và hơn 1 triệu ca tử vong sớm tại Trung Quốc mỗi năm là bởi ô nhiễm không khí. Thậm chí, các thống kê gần đây còn cho thấy con số cao gấp 2 lần như vậy tại quốc gia Đông Bắc Á này.  

Trong khi đó, theo chỉ số chất lượng không khí và tuổi thọ (Air Quality Life Index) do các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Chính sách năng lượng của Chicago (Mỹ) tổng hợp, trên toàn khu vực miền Bắc Ấn Độ và phía Bắc miền Trung Trung Quốc, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO sẽ giúp tăng từ 6-7 năm tuổi thọ.

Tại Ấn Độ, ô nhiễm bụi mịn vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO 500%, dù cho ô nhiễm không khí nhìn chung đã giảm đáng kể trong năm ngoái, với 98% số thành phố được giám sát đã có nhiều cải thiện.     

Cũng theo báo cáo, trong số 36 quốc gia giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là quốc gia ô nhiễm bụi PM2.5 nghiêm trọng nhất và có tới 105 thành phố ở nước này nằm trong danh sách 1.000 thành phố ô nhiễm nhất. Tại châu Âu, Ba Lan và Italy lần lượt có tới 39 và 31 thành phố trong danh sách này. 

Trong khi đó, những khu vực còn lại của thế giới như châu Phi và Trung Đông hiện vẫn đang thiếu dữ liệu thống kê do số lượng trạm quan trắc không khí tại đây còn hạn chế.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng trong số các thành phố trên 1 triệu dân, Adelaide của Australia, thủ đô Helsinki  (Phần Lan), Stockholm (Thụy Điển) và San Jose tại miền Trung Califonia (Mỹ) là những thành phố ít chịu ảnh hưởng của PM2.5 nhất. Kế đến là Perth và Melbourne tại Australia, Calgary tại Canada và New York (Mỹ).  

CEO IQAir Frank Hammes cho rằng ô nhiễm không khí là mối đe dọa sức khỏe liên quan đến môi trường hàng đầu thế giới. 90% dân số toàn cầu đang hít thở bầu không khí không an toàn.  

Bụi mịn PM2.5 là loại bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2,5micromet, chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc của người. Loại bụi này chủ yếu sản sinh ra từ khí thải giao thông (các loại xe cơ giới chạy bằng dầu diesel thông thường), hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, cháy rừng... Bụi là hỗn hợp các hợp chất dạng rắn hoặc lỏng bay trôi nổi trong không khí. Dù chỉ một lượng bụi nhỏ xâm nhập vào máu qua hệ hô hấp cũng có nguy cơ gây bệnh hen suyễn, ung thư phổi và các bệnh về tim.

Minh Tâm (TTXVN)
30% dân Mỹ sống chung với không khí ô nhiễm
30% dân Mỹ sống chung với không khí ô nhiễm

Kết quả một nghiên cứu mới cho thấy khoảng 30% dân số Mỹ đã sống trong các khu vực trải qua ít nhất 100 ngày chất lượng không khí kém do ô nhiễm trong năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN