Nước Mỹ hậu nguy cơ vỡ nợ

Như vậy là Tổng thống Barack Obama đã có thể thở phào nhẹ nhõm đón sinh nhật lần thứ 50 của mình (4/8/2011) sau khi đặt bút ký vào dự luật về nâng trần nợ công đã được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua ngày 2/8. Những ngày qua, các cuộc thương lượng không khoan nhượng tại Đồi Capitol và Nhà Trắng đã trở thành tâm điểm của người dân Mỹ và thế giới. Về mặt lý thuyết, nước Mỹ đã thoát được nguy cơ vỡ nợ, nhưng với các chiến lược gia thực dụng, khó khăn còn chồng chất phía trước và vẫn lơ lửng dấu hỏi về “giấc mơ Mỹ”.

Giằng co phút chót

Mức trần nợ công đã được cộng thêm ít nhất 2.100 tỷ USD lên con số khủng khiếp 16.400 tỷ USD. Mức trần này sẽ được duy trì tới năm 2013, nghĩa là trong tài khóa 2012 - năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, chính phủ Mỹ sẽ không phải thực hiện thêm bất kỳ động thái nào liên quan đến vấn đề này. Song song với nâng trần nợ công là các kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ (ước tính khoảng 2.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới).

Người dân Mỹ theo dõi cuộc bỏ phiếu nâng trần nợ công của Hạ viện Mỹ ngày 2/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Chặng đường đến với bàn Tổng thống Obama của văn kiện này là khá chông gai. Tuy nhiên, đây cũng là một kết cục đã được tiên liệu và vấn đề ở đây chỉ là thời điểm - đó là thời hạn chót phải nâng mức trần nợ công (2/8). Để tránh một thảm họa cho nền kinh tế Mỹ và có nguy cơ tạo nên hiệu ứng đôminô đối với kinh tế thế giới, các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa tại Nhà Trắng và hai viện quốc hội Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải thỏa hiệp. Có chăng điều này tô đậm hơn sự mâu thuẫn, đối đầu mang tính thâm căn cố đế giữa các ông nghị Con Voi (biểu tượng của đảng Cộng hòa) và Con Lừa (biểu tượng của đảng Dân chủ), phản ánh sự giằng co trong tiến trình lập pháp đã được cảnh báo ngay sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 năm ngoái khi Cộng hòa lật ngược thế cờ, giành quyền kiểm soát Hạ viện và thu hẹp khoảng cách với Dân chủ tại Thượng viện. Vì thế, sự thỏa hiệp vào phút chót trong thương lượng về nâng trần nợ công và giảm thâm hụt ngân sách là tất yếu.

Lợi bất cập hại

Câu hỏi lúc này dư luận quan tâm là đạo luật này tác động như thế nào đến nền kinh tế Mỹ và đâu là những mặt trái? Nhiều ý kiến cho rằng tránh bị vỡ nợ, nước Mỹ đã qua được một bước cần phải qua khi nền kinh tế gần như đã chững lại trong nửa đầu năm nay và hiện chưa có dấu hiệu cải thiện. Song, về lâu dài, đây chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời vì nó không thể giúp giải quyết được những vấn đề mấu chốt mà nền kinh đầu tàu thế giới đang đối mặt, đó là suy giảm, thất nghiệp và độ tín nhiệm tín dụng yếu. Tóm lại, tác động của đạo luật này đối với bản thân nền kinh tế Mỹ là không đáng kể.

Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ, Harry Reid (giữa) phát biểu với báo giới. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, trong quý II vừa qua, kinh tế nước này tăng trưởng ở mức 1,3%/năm, trong khi tăng trưởng của quý I sau khi được điều chỉnh lại chỉ còn 0,4% so với tính toán ban đầu là 1,9%. Các số liệu này đều thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các nhà kinh tế và tạo nên tâm lý ngày càng bi quan về tình hình kinh tế Mỹ. Trong kỳ, đáng chú ý là tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, bộ phận đóng góp khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, đã chững lại đáng kể, khi chỉ tăng 0,1% - mức tăng thấp nhất kể từ khi suy thoái chính thức chấm dứt cách đây 2 năm. Ngay sau khi các số liệu này được công bố, nhiều cơ quan nghiên cứu đã giảm mức dự báo tăng trưởng cả năm của kinh tế Mỹ, trong đó Capital Economics hạ dự báo từ 2,5% xuống còn 2%.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn đứng ở con số 9,2% - mức cao nhất trong hơn một năm qua. Cho đến nay, nước Mỹ mới chỉ tạo được 1/5 số việc làm bị mất (8,8 triệu) trong giai đoạn suy thoái từ cuối năm 2007 và ở Mỹ hiện có tới hơn 14 triệu người thất nghiệp.

Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng mặt trái của thỏa thuận nâng trần nợ công gắn với các điều khoản về cắt giảm chi tiêu là làm chậm lại quá trình tăng trưởng của Mỹ. Theo High Frequency Economics, việc cắt giảm chi tiêu nhiều hơn và nhanh hơn có thể gây ra một cú sốc lớn đối với một nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liêu tăng cao, thời tiết xấu, thảm họa động đất tại Nhật Bản và thị trường nhà đất ảm đạm, thêm vào đó là thị trường lao động không hề có dấu hiệu phục hồi.

Không những thế, các nhà đầu tư thế giới vẫn lo lắng về khả năng Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng do khoản nợ của nước này trong tương lai. Nếu điều này xảy ra, chi phí đi vay của Mỹ sẽ tăng lên và tạo ra một vật cản mới đối với nền kinh tế Mỹ.

Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008, nhận định thoả thuận nâng trần nợ công – cắt giảm chi tiêu thực chất là một thảm họa đối với Tổng thống Obama và đảng Dân chủ. Thỏa thuận này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn đang trì trệ, có thể làm cho vấn đề thâm hụt ngân sách lâu nay thêm trầm trọng chứ không tốt hơn. Ông nhấn mạnh, một mặt, lãi suất đối với các khoản vay liên bang hiện đang rất thấp, nên việc cắt giảm chi tiêu hiện nay sẽ không có mấy tác dụng trong việc giảm chi phí chi trả lãi suất. Mặt khác, việc làm cho nền kinh tế yếu hơn vào thời điểm hiện nay cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng dài hạn của nó và làm giảm nguồn thu trong tương lai.

Rõ ràng, nước Mỹ vẫn còn quá nhiều việc phải làm ở phía trước!

Phương Hồ
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN