Do núi lửa vẫn hoạt động, nhiều đội cứu hộ buộc phải rút khỏi một số khu vực. Những hình ảnh chụp từ trên không cho thấy nhiều đường phố ngập tro núi lửa và bùn. Lực lượng cứu hộ vẫn tìm cách đào xuyên qua các lớp bùn để tìm kiếm người sống sót và thi thể người gặp nạn. Tuy nhiên, công tác cứu nạn ngày càng khó khăn hơn khi các lớp bùn bắt đầu nguội đi và khô cứng.
Hiện giới chức Indonesia đã khuyến cáo người dân tránh xa khu vực miệng núi lửa phạm vi 5 km do không khí quanh khu vực này đang ô nhiễm nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương. Theo cơ quan địa chất học Indonesia, tro bụi từ miệng núi lửa Semeru bay xa tới 4 km sau khi núi lửa này phun trào vào ngày 4/12.
Hội Chữ thập Đỏ Indonesia đã huy động xe cứu thương, các đơn vị y tế và các dịch vụ khẩn cấp khác tới khu vực bị ảnh hưởng.
Núi lửa Semeru, cao hơn 3.600 m, là một trong gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Núi lửa này đã từng phun trào vào tháng 1 năm nay, không gây thương vong song khiến hàng nghìn người cũng đã phải sơ tán.
Indonesia nằm trong "Vành đai lửa Thái Bình Dương" nên thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Cuối năm 2018, một ngọn núi lửa ở eo biển giữa đảo Java và đảo Sumatra phun trào, gây lở đất ngầm dưới nước và sóng thần khiến trên 400 người thiệt mạng.