“Nói phải đi đôi với làm”

Nhân dân và Quốc hội rất mong muốn các bộ trưởng mới sẽ là những bộ trưởng hành động, có những phát ngôn nổi bật, nhưng theo tôi nói phải đi đôi với làm.

Với lĩnh vực rộng lớn và nhiều thách thức như công tác dân tộc, không thể phán quyết chắc chắn được điều gì”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Đỗ Văn Chiến (ảnh) chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức. 

Trong lĩnh vực rộng lớn và nhiều thách thức như công tác dân tộc, khi được Quốc hội bầu với số phiếu tín nhiệm cao, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó?

Tôi nhận thức được trách nhiệm rất nặng nề của mình. Công tác dân tộc là lĩnh vực khó. Tôi nghĩ mình được bầu với số phiếu cao một phần là do uy tín cá nhân, nhưng chủ yếu chính là lo lắng của đại biểu Quốc hội, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc. Tôi là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), được Đảng, Nhà nước nuôi từ bé, nuôi từ trường nội trú; trưởng thành lại đi công tác tại hai tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống là Tuyên Quang và Yên Bái. Hiện tại được Đảng và Nhà nước phân công phụ trách công tác dân tộc miền núi, tôi chắc chắn sẽ phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Như câu châm ngôn “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Đã từng trải qua vị trí lãnh đạo ở các tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS, Bộ trưởng thấy nguyện vọng của bà con DTTS hiện nay là gì?

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm tâm lớn cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi; đời sống của đồng bào DTTS đã được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, vùng dân tộc miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, trình độ dân trí, sự phát triển còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước. Đã từng có thời gian lâu dài công tác ở các tỉnh miền núi, trước là Tuyên Quang và sau là Yên Bái, tôi nhận thấy còn nhiều điều không chỉ người làm công tác dân tộc, mà ngay chính đồng bào cũng trăn trở, đó là vấn đề việc làm, con em đồng bào đầu tư tiền của để học hành rất nhiều nhưng không có việc làm; cơ sở hạ tầng rất kém. Người dân ở vùng dân tộc không mong muốn những cái xa vời, mà chính là giải quyết những khó khăn trước mắt hằng ngày. Vẫn còn rất nhiều bất cập trong chính sách, chẳng hạn như việc dạy nghề. Chúng ta mới chỉ dạy những nghề có giáo viên, mà chưa dạy nghề phù hợp, nghề mà học xong người ta có thể ra trường kiếm việc làm với nghề mình học. Ví dụ, tất cả các trường nghề đều mở lớp điện tử, điện lạnh; mỗi lớp, mỗi xã bao nhiêu học viên như thế, về làm sao để giải quyết được hết việc làm? Những vấn đề đó không phải các nhà quản lý không biết, nhưng để giải quyết được thì không phải một sớm, một chiều. Nhưng có nhìn ra vấn đề mới giải quyết tốt được.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến tặng quà cho đại diện 16 dân tộc dưới 10.000 người tại Hà Nội.

Khó nữa là ở nhiều nơi, đồng bào DTTS cũng chịu khó tìm tòi cách làm ăn, sản xuất ra sản phẩm, nhưng không bán được, hoặc bán rẻ. Lương thực đủ ăn, không còn đói nữa, nhưng không làm ra được đồng tiền để chi tiêu cho con cái học hành, chữa bệnh, mua sắm vật dụng gia đình... Đó là khó khăn của nhiều gia đình và cũng là trăn trở của tôi. Làm thế nào để phát triển được sản xuất, làm sao cho các sản phẩm của đồng bào sản xuất ra trở thành hàng hóa, tiêu thụ được?

Mặt khác, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan có trách nhiệm đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS; đại đa số đồng bào đã tiếp cận được với đời sống văn hóa mới. Nhưng vẫn còn một số đồng bào chưa có sự thay đổi, vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tham gia buôn bán ma túy, một số còn nghe theo lời kẻ xấu, tham gia các tà đạo...

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều đổi thay.

Hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào.

Đó là những điều tôi rất trăn trở. Trên cương vị công tác của mình, tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Ủy ban Dân tộc triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ công tác dân tộc. Trong đó, quan tâm giải quyết những vấn đề trăn trở trên.

Để giải quyết những trăn trở trên, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, nhưng trong giai đoạn mới, ngân sách nhà nước có hạn, việc đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho phát triển vùng DTTS và miền núi.
Chính phủ đã tập trung vào Chương trình 135, 30a và hiện nay là chương trình giảm nghèo bền vững quốc gia. Và trong giai đoạn tới có thể khẳng định vốn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS không giảm xuống mà vẫn tăng đều, nhưng khả năng ngân sách có hạn, trong khi nhu cầu lại lớn. Đầu tư cho vùng dân tộc miền núi không phải chỉ có Ủy ban Dân tộc mà tất cả các ngành khác. Tổng mức đầu tư phải được cộng dồn từ tất cả các lĩnh vực ở các bộ, ngành.
Với riêng các chương trình, chính sách của Ủy ban Dân tộc, với nguồn ngân sách có hạn, chúng ta phải tập trung khai thác thêm nguồn vốn xã hội hóa, rồi các tổ chức phi chính phủ quan tâm vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở vùng DTTS, miền núi. Và phải thực hiện lồng ghép các nguồn vốn sao cho có hiệu quả.

Thưa Bộ trưởng, vậy trọng tâm công tác dân tộc trong giai đoạn mới là gì?

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, quán triệt sâu sắc văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc sẽ xây dựng chương trình hành động, thiết thực, cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đề ra về đại đoàn kết dân tộc và công tác dân tộc (2016 - 2020).

Hai là, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống; Tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, văn hóa... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc và miền núi.

Ba là, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong Chiến lược Công tác dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 449/QĐ - TTg, ngày 12/3/2013; thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh và bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đến năm 2025 cơ bản đạt được mục tiêu thiên niên kỷ vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện có hiệu quả Quyết định số 402/QĐ - TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, bảo đảm đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm tỷ lệ hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở.

Năm là, công tác dân tộc là một nhiệm vụ có nhiều khó khăn, trong thời gian tới Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng chính sách phù hợp, đồng thời ưu tiên nguồn lực đầu tư để các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bài và ảnh: Trọng Thủy (thực hiện)
Chủ tịch nước dự kỷ niệm 70 năm Cơ quan Công tác dân tộc
Chủ tịch nước dự kỷ niệm 70 năm Cơ quan Công tác dân tộc

Ủy ban Dân tộc sáng 26/4 tại Hà Nội, đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Cơ quan dân tộc (3/5/1946-3/5/2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN