Nỗi lo rò rỉ thông tin cá nhân từ ứng dụng thanh toán trực tuyến

Mã QR mở ra một cuộc cách mạng bùng nổ trong thanh toán di động. Tuy nhiên, ít ai nhận thức được những mối đe dọa tiềm ẩn và hậu quả của việc rò rỉ dữ liệu người dùng từ phương thức này.

Chú thích ảnh
Chủ tiệm cá Wu Weibin quảng cáo thanh toán qua mã QR tại chợ hải sản ở Thậm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Tức giận mang bụng đói rời đi, Wang Xiaoxu cuối cùng không thể ăn tối với bạn tại một nhà hàng địa phương ở thành phố Thâm Quyến, sau khi hệ thống gọi đồ chặn cô vì cô từ chối chia sẻ thông tin cá nhân qua điện thoại di động.

“Không có bất kỳ quyển thực đơn nào, chỉ có mã quét QR được đặt trên bàn. Tôi bị yêu cầu phải nhập tên tài khoản WeChat, gửi hình chân dung và điền khu vực sinh sống. Nếu từ chối làm những thủ tục đó, tôi không thể xem thực đơn, gọi món hoặc trả tiền”, cô Wang, 28 tuổi, bức xúc với phóng viên báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP).

Trải nghiệm không mấy hay ho của cô nàng kỹ sư Wang đang dần thành một vấn đề phổ biến tại Trung Quốc – nơi mà người dân nhanh chóng thích nghi với sự tiện lợi bằng các dịch vụ kỹ thuật số mà không hiểu hết rõ hậu quả tiềm ẩn khi chia sẻ thông tin cá nhân.

Tháng trước, Chang Lijie – sinh sống tại Thâm Quyến – cho biết anh không mua vé phim trực tuyến sau khi Maoyan, ứng dụng đặt vé phim lớn nhất Trung Quốc, yêu cầu anh cung cấp số điện thoại, thông tin nhận dạng cá nhân cũng như chi tiết về nghề nghiệp.

“Thật sự không thể chấp nhận được khi tôi phải chia sẻ thông tin cá nhân chỉ để mà xem một bộ phim hoặc ăn uống. Tôi có thể hiểu yêu cầu cập nhật vị trí của người dùng tại ứng dụng thời tiết hoặc dự báo, nhưng tại sao tôi phải chia sẻ số điện thoại và số chứng minh nhân dân chỉ để mua một vé xem phim”, anh Chang phản bác.

Đại diện Maoyan hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề trên.

Trong bối cảnh xu hướng về việc chi trả không cần tiền mặt đang lan rộng không chỉ Trung Quốc nói riêng mà toàn cầu nói chung, các hoạt động ăn uống, giải trí tại những  điểm nóng công nghệ như “Thung lũng Silicon” Thâm Quyến gần như hoàn toàn thực hiện giao dịch qua các ứng dụng kỹ thuật số.

“Người sử dụng Internet tại Trung Quốc bắt đầu lo ngại về việc thu thập dữ liệu cá nhân và vấn đề quyền riêng tư. Trước đây, người dùng không nghĩ đến việc rò rỉ thông tin cá nhân có thể làm tổn hại đến họ như thế nào”, Dingding Zhang – cựu Giám đốc Viện nghiên cứu Sootoo có trụ sở tại Bắc Kinh, kiêm bình luận viên chuyên về công nghiệp Internet – nhận đinh.

Chú thích ảnh
Phóng viên SCMP dùng thanh toán di động để sử dụng một chiếc xe đạp thuê ở Thâm Quyến. Ảnh: SCMP

Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc (CCA) gần đây cho biết có rất nhiều ứng dụng điện thoại di dộng tại quốc gia này đang bí mật thu thập thông tin cá nhân của người dùng, bao gồm vị trí, danh bạ và số điện thoại. Theo một báo cáo công bố năm ngoái, 91 trên tổng số 100 ứng dụng di động bị nghi ngờ thu thập quá nhiều dữ liệu.

“Nhiều ứng dụng thu thập dữ liệu cá nhân vượt quá yêu cầu của dịch vụ. Điều này là bất hợp pháp”, Wu Shenkuo – Tổng Thư ký Viện nghiên cứu phát triển Internet Trung Quốc – khẳng định.

Theo như một cuộc khảo sát của CCA hồi năm ngoái, 85% người dân Trung Quốc bị rò rỉ dữ liệu. Cụ thể, số điện thoại và địa chỉ email của người  dùng được bán cho những công ty gửi thư rác.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người Trung Quốc bày tỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chia sẻ dữ liệu với các ứng dụng vì giờ họ đã quá quen với sự thuận tiện khi mua hàng. "Tôi không quan tâm đến việc thu thập dữ liệu. Máy quay ở khắp mọi nơi ở Trung Quốc và tôi nghĩ rằng những nỗ lực bảo vệ thông tin cá nhân của tôi chỉ đơn giản chỉ là vô ích. Tôi tự nhủ rằng các ứng dụng giúp cuộc sống hàng ngày của tôi thuận tiện hơn, vì vậy nếu bạn muốn thông tin cá nhân của tôi - thì nó là của bạn", Yu Zhiyao - một nhân viên bán hàng 32 tuổi – không ngần ngại chia sẻ.

Báo cáo Internet Trung Quốc 2019 cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) được triển khai với quy mô lớn ở Trung Quốc, thông qua ứng dụng nhận diện khuôn mặt trong việc trả tiền vé tàu điện ngầm hay nhận phòng khách sạn, cho đến giúp chính quyền theo dõi các tội phạm hoặc các đối tượng vi phạm luật giao thông. Cựu lãnh đạo Google Trung Quốc Kai-fu Lee cho biết trong thời đại AI ngày nay, dữ liệu là nguồn nhiên liệu mới và Trung Quốc đang có nhiều dữ liệu hơn bất kỳ quốc gia nào.

Tuy nhiên, tình trạng luật pháp về quyền riêng tư dữ liệu chưa được chặt chẽ và chú trọng vẫn đang còn là một nỗi lo đối với người dân Trung Quốc.

Trong một phiên họp hồi tháng 4, Phát ngôn viên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) ông Zhang Yesui cho biết chính phủ đang đẩy nhanh việc soạn thảo một đạo luật nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, song không nói rõ bao giờ việc đó hoàn thành hay có hiệu lực.

Không chỉ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu cũng đang đối mặt với khủng hoảng dữ liệu cá nhân. Thượng viện Mỹ mới đây tổ chức các phiên điều trần nghe trình bày về luật riêng tư mới bảo vệ người dân Mỹ. Trong khi đó, Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) có hiệu lực đối với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 5/2018. Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cho biết việc đưa ra quy định về sử dụng dữ liệu cá nhân sẽ khiến Mỹ bị tụt lại so với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là khi nói đến cuộc cách mạng AI dựa vào dữ liệu.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Giới chức Italy phạt Facebook vì bê bối rò rỉ thông tin xoay quanh Cambridge Analytica
Giới chức Italy phạt Facebook vì bê bối rò rỉ thông tin xoay quanh Cambridge Analytica

Ngày 28/6, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Italy đã phạt Facebook một triệu euro (1,1 triệu USD) vì vi phạm các luật quyền riêng tư trong vụ bê bối rò rỉ thông tin xoay quanh Công ty tư vấn Cambridge Analytica (Anh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN