Chuyến công du châu Âu của tổng thống Iran:

Nỗ lực xây nền móng tương lai

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng phái đoàn cấp cao gồm 120 quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp... đã tới Italy và Pháp trong chuyến công du kéo dài từ ngày 25 - 27/1 nhằm thúc đẩy đầu tư. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Iran tới Lục địa già kể từ khi các thỏa thuận giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) có hiệu lực, cho phép Mỹ và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đổi lại Tehran sẽ hạn chế chương trình phát triển hạt nhân.

Mở đường

Theo giới phân tích, chuyến công du lần này của Tổng thống Rouhani hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội về hợp tác kinh tế giữa Iran và các nước châu Âu. EU cũng hy vọng hợp tác thương mại với Iran sẽ giúp khối này lấy lại vị thế kinh tế vốn đã bị mất vào tay các cường quốc như Nga, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ. Tỏ ra lạc quan hơn cả là các quan chức Italy. "Đất nước hình chiếc ủng" đã có truyền thống quan hệ kinh tế mật thiết với Tehran và vui mừng trước triển vọng có thêm nhiều hợp đồng mới sau khi các lệnh trừng phạt chấm dứt.

Tổng thống Iran Rouhani (trái) và Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong cuộc gặp tại Roma ngày 25/1. Ảnh:AFP/TTXVN

Theo tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Sace của Italy, xuất khẩu của nước này tới Iran có thể tăng thêm khoảng 3 tỷ euro trong 4 năm, từ năm 2015 đến năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 1,56 tỷ euro vào năm ngoái. Về phần mình, trước chuyến công du, Iran thông báo sẽ mua 114 máy bay Airbus bổ sung cho đội máy bay không mấy hiện đại của hãng hàng không quốc gia này. Đây là hợp đồng thương mại lớn đầu tiên giữa Iran và EU sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Nhà lãnh đạo Iran hoan nghênh thỏa thuận này như một “chương mới” đánh dấu sự trở lại với nền kinh tế toàn cầu của quốc gia Hồi giáo này.

Trong khi đó, các quan chức Pháp không mong đợi sẽ ký ngay được những thỏa thuận quan trọng trong chuyến thăm này. Tuy nhiên, sự kiện được cho là đem đến những cơ hội giúp xoa dịu mối quan hệ đang bị phủ bóng đen giữa Tehran với đất nước hình Lục Lăng vốn từng khá thân thiết. Pháp đã theo đuổi đường lối cứng rắn với Iran, lên tiếng chỉ trích việc Iran ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và nghi ngại trước những sự can thiệp khác của Tehran ở Trung Đông.

Chuyến thăm cũng nhằm thể hiện một bộ mặt thân thiện của Iran khi mà quan hệ của nước CH Hồi giáo với một số nước châu Âu còn nhiều nghi kỵ liên quan tới cuộc nội chiến tại Syria. Iran theo dòng Hồi giáo Shi’ite là đồng minh mạnh nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi châu Âu lại hậu thuẫn cho phe đối lập chủ yếu theo dòng Hồi giáo Sunni. Không chỉ vậy, những tháng vừa qua cũng đã chứng kiến căng thẳng leo thang giữa Iran và Saudi Arabia, một đồng minh truyền thống của phương Tây.

Những viên gạch đầu tiên

Cùng với việc Mỹ và EU đồng loạt dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran hồi đầu năm nay, cơ hội đang mở ra với Iran. Tuy nhiên, phía trước cũng tồn tại không ít thách thức trong tiến trình hội nhập với thế giới.

Những lợi ích thu được từ thỏa thuận trên khá rõ. Trước hết, Iran sẽ được phép xuất khẩu dầu thô ra thị trường thế giới - lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho Tehran, đồng thời được phép tiếp cận khoản tiền 100 tỷ USD bị phong tỏa trong thời gian bị áp đặt lệnh cấm vận. Số tiền này vô cùng ý nghĩa đối với quốc gia bị cô lập hàng chục năm như Iran trong quá trình cập nhật các công nghệ hiện đại, tân tiến trên thế giới sao cho phù hợp với tiềm năng kinh tế của mình. Các lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, thương mại, vận tải và mua bán công nghệ sẽ có cơ hội phát triển nở rộ khi được tiếp cận với luồng vốn đầu tư nước ngoài. Thoát khỏi những "xiềng xích" của lệnh trừng phạt cho phép Iran đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng nội địa. Một tín hiệu vui mới nhất đối với Iran là vào ngày 31/1 tới, Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) sẽ khôi phục dịch vụ cho các định chế tài chính của nước này. Động thái này sẽ đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2012 các ngân hàng của Iran được kết nối hoàn toàn với hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp của các nền kinh tế phát triển như Đức, Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc đã có những chuyển động tích cực mang tính "dọn đường" cho công cuộc khai thác cơ hội từ thị trường từng bị phong tỏa này. Ngay sau khi thông tin về việc dỡ bỏ trừng phạt được công bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới Iran.

Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, giới phân tích nhận định con đường hội nhập phía trước của Iran không hoàn toàn dễ dàng. Xét về khía cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra rất thận trọng khi tham gia thị trường Iran bởi hệ thống ngân hàng nước này đang chìm trong nợ nần, hệ thống pháp luật lạc hậu, bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng, quan liêu, thị trường lao động thiếu linh hoạt. Do bị cấm vận và cô lập trong nhiều năm, Iran cũng rơi vào tình trạng bị thụt lùi về công nghệ tiên tiến. Điều khiến các nhà đầu tư quan ngại nhất chính là nguy cơ Iran bị trừng phạt trở lại nếu nước này vi phạm hiệp ước hạt nhân. Một khi kịch bản đó xảy ra, mọi nỗ lực và công sức của các bên sẽ trở nên vô ích.

Với thực tế này, chuyến công du châu Âu sẽ là cơ hội để Tổng thống Rouhani đặt những viên gạch đầu tiên nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế cũng như chính trị vững chắc với Lục địa Già. Đây cũng là một phần trong cam kết cải cách nền kinh tế được ông đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Tuy nhiên, trước những thách thức mà Iran đang phải đối mặt như giá dầu lao dốc, hoạt động kinh tế nghèo nàn, tỷ lệ lạm phát, nợ công tăng cao..., cần có thời gian để Iran hội nhập hoàn toàn với thế giới sau nhiều thập niên bị cô lập.
Phan An
Pháp-Iran ký nhiều hợp đồng kinh tế giá trị
Pháp-Iran ký nhiều hợp đồng kinh tế giá trị

Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Iran, Hassan Rouhani tại Pháp vào ngày 28/1, hai bên đã ký kết nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỉ euro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN