Nợ chính phủ của Anh tiếp tục tăng do chi phí chống dịch COVID-19

Nợ chính phủ của Anh tiếp tục tăng trong tháng 11 do các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Cơ quan thống kê Anh, nợ chính phủ trong tháng 11 ở mức 31,6 tỷ bảng Anh (41,8 tỷ USD), cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước. Theo các chuyên gia, xu hướng tăng của nợ chính phủ sẽ không đảo chiều trong những tháng tiếp theo, do các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19 buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Hiện tại nhiều khu vực của Vương quốc Anh một lần nữa phải đóng cửa hoàn toàn ngay trước dịp Giáng sinh trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Diễn biến này cũng khiến nhiều nước quyết định tạm thời đóng cửa với Anh. 

Kể từ đợt phong tỏa đầu tiên hồi cuối tháng 3 đến nay, nợ của chính phủ của Thủ tướng Boris Johson đã lên đến 241 tỷ bảng Anh, tăng 289 tỷ bảng Anh so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nợ hiện nay của Anh tương đương 99,5%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất trong 58 năm qua.

* Trong báo cáo tháng được công bố ngày 22/12, Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên đánh giá kinh tế trong tháng 12/2020 nhưng vẫn bày tỏ lo ngại về chi tiêu tiêu dùng trong những tháng tới do sự bùng phát trở lại các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp trên khắp nước.

Văn phòng Nội các Nhật Bản nhận định kinh tế nước này vẫn đang trong tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo trên, chi tiêu tiêu dùng cho hàng hóa, bao gồm ô tô mới, vẫn ổn định, nhưng chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch và ăn uống còn yếu.

Về triển vọng của nền kinh tế tổng thể, Chính phủ Nhật Bản nhận định sự thu hẹp các hoạt động kinh tế xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể gây ra những rủi ro tiêu cực hơn nữa cho nền kinh tế trong và ngoài nước.

Báo cáo đánh giá xuất khẩu có xu hướng phục hồi một phần nhờ nhu cầu gia tăng đối với xe cộ và các sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn. Song, chính phủ vẫn lo ngại về đà tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu do sự bùng phát trở lại của các ca mắc COVID-19, buộc nhiều quốc gia phải tái áp dụng chính sách hạn chế kinh doanh, cũng như các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề Brexit (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu -EU).

Ngoài ra, báo cáo đã điều chỉnh nâng đánh giá về lợi nhuận doanh nghiệp lần đầu tiên trong 18 tháng. Theo kết quả khảo sát Tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, được công bố hồi đầu tháng, lòng tin doanh nghiệp đã có dấu hiệu cải thiện.

* Hội đồng quản trị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/12 đã quyết định chi ngay lập tức 2 tỷ USD để hỗ trợ Ecuador đối phó với đại dịch COVID-19.

IMF cho biết khoản tiền này là một phần trong kế hoạch viện trợ cho Ecuador có tổng trị giá 6,5 tỷ USD được giải ngân trong thời gian 27 tháng. Phó Giám đốc điều hành IMF Antoinette Sayeh cho biết: "Nền kinh tế Ecuador đang có dấu hiệu phục hồi sau khi rơi xuống mức đáy trong quý II vừa qua. Số ca mắc và tử vong do COVID-19 cũng giảm so với mức cao ghi nhận hồi mùa Xuân".

Dự báo, tăng trưởng kinh tế Ecuador giảm 9,5% trong năm nay, cải thiện hơn so với mức giảm 11% được IMF dự báo hồi đầu năm. Tuy nhiên,  dự báo mà IMF đưa ra hồi đầu năm là 11%. Tuy nhiên, IMF nhận định vẫn còn "những rủi ro đáng kể" phát sinh từ quan ngại về mức độ và thời gian kéo dài của đại dịch trên toàn thế giới.

Phương Hoa   (TTXVN)
Anh, Pháp nỗ lực nối lại tuyến vận tải giữa hai nước
Anh, Pháp nỗ lực nối lại tuyến vận tải giữa hai nước

Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phối hợp với Chính phủ Pháp nỗ lực gỡ bỏ các biện pháp đóng cửa biên giới đang tác động tiêu cực đến một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất của châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN