Những ước tính về ảnh hưởng kinh tế của vụ sập cầu ở Mỹ

Theo hãng tin CNBC của Mỹ, đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland (Mỹ) là một thảm họa hàng hải, nhưng không phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhà kinh tế trưởng tập đoàn RSM, Joseph Brusuelas, nói: “Những gì đã xảy ra thực sự là một bi kịch… Nhưng về mặt kinh tế, vụ việc này hầu như không gây ra bất kỳ ‘gơn sóng’ nào cho nền kinh tế Mỹ”.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ), sau khi bị tàu chở hàng đâm trúng, ngày 27/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Con tàu container DALI treo cờ Singapore đã va chạm vào một trụ cầu Francis Scott Key rạng sáng ngày 26/3, khiến cây cầu bị sập ngay lập tức. Cho đến chiều muộn cùng ngày, các nhà chức trách kết hợp với các lực lượng cứu hộ, các tổ chức liên quan… đã tiến hành “giải cứu” con tàu. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố sẽ đến bang Maryland sớm nhất có thể.

Những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ

Vụ sập cầu đã khiến cảng Baltimore thuộc thành phố Baltimore, bang Maryland phải đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Đây là cảng biển lớn thứ 11 của Mỹ và là cảng đóng vai trò điểm đến xuất khẩu hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Trong năm 2023, cảng Baltimore đã là nơi trung chuyển của 847.000 chiếc ô tô và xe tải hạng nhẹ, nhiều hơn bất kỳ cảng nào khác tại Mỹ.

Ông Brusuelas chia sẻ: “Cảng Baltimore không hấp dẫn như cảng của Los Angeles, nhưng đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ”. Ông dẫn chứng các nhà sản xuất ô tô như BMW và Volkswagen có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào lúc này, do họ phụ thuộc khá nhiều vào cảng Baltimore. Người tiêu dùng đang tìm mua xe mới cũng có thể sẽ phải trì hoãn mua do tình trạng thiếu hụt tạm thời.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ như Under Armour, Home Depot, IKEA và hãng vận chuyển FedEx cũng có thể cảm nhận được một số tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, người phát ngôn của Home Depot cho biết các trung tâm phân phối của công ty này ở khu vực Baltimore vẫn “mở cửa và hoạt động” bình thường.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của tổ chức Moody's nói với CNBC: “Sẽ có rất nhiều điều chỉnh cần thực hiện. Nhưng tôi không nghĩ nó sẽ xuất hiện trong dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ”.

Hôm 28/3, Thống đốc bang Maryland Wes Moore đã đề nghị Chính phủ Mỹ hỗ trợ 60 triệu USD để khắc phục hậu quả và xây dựng lại cây cầu. Chỉ vài giờ sau khi tiếp nhận đề nghị của Thống đốc Wes Moore, Cơ quan Quản lý đường cao tốc liên bang thuộc Bộ Giao thông vận tải Mỹ đã phê duyệt khoản kinh phí khẩn cấp ban đầu 60 triệu USD. Động thái này đánh dấu việc giải ngân kinh phí đặc biệt nhanh sau một thảm họa như vậy.

Ảnh hưởng tới kinh tế địa phương

Mặc dù đã nhận được khoản kinh phí “hào phóng” từ Chính phủ Mỹ để dùng cho việc khôi phục cầu Francis Scott Key, nhưng Thống đốc Moore đã cảnh báo rằng còn một “con đường rất dài phía trước”. Ông cho biết tác động kinh tế của vụ sập cầu sẽ là rất nặng nề và kéo dài đối với bang Maryland.

Cảng Baltimore là nơi làm việc của hơn 15.000 công nhân và gián tiếp hỗ trợ gần 140.000 việc làm thông qua các hoạt động khác tại cảng. Việc cảng này đóng cửa có nghĩa là toàn bộ số công nhân đang làm việc tại đây sẽ phải nghỉ tạm thời hoặc bị giảm giờ làm kéo dài.

Hơn nữa, không có cây cầu, hoạt động giao thông sẽ bị gián đoạn và ách tắc, trải rộng trên nhiều khu vực do cầu Francis Scott Key nằm ngang sông Patapsco có độ kết nối giao thông cao. Ông Moore lưu ý điều này sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động và sản lượng kinh tế địa phương.

Năng lực chuỗi cung ứng

Theo nhà kinh tế Brusuelas, sau nhiều năm đối phó với những khó khăn trong chuỗi cung ứng thời đại dịch COVID-19, các cảng biển trên khắp nước Mỹ đã tăng cường hiệu quả và năng lực để có khả năng giải quyết lượng hàng tồn đọng lớn. Năng lực vận chuyển bổ sung đó cung cấp mạng lưới an toàn trong trường hợp khẩn cấp về hậu cần.

Ông Chris Rogers, Giám đốc Nghiên cứu Chuỗi Cung ứng Toàn cầu của S&P, cho biết vụ sập cầu là thách thức mới nhất đối với chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Bắc Mỹ”, sau những vấn đề khác, trong đó có hoạt động vận tải thương mại qua khu vực Biển Đỏ và Kênh đào Panama.

Nhìn chung, bất kỳ sự gián đoạn kinh tế nào từ vụ sập cầu Francis Scott Key ngày 26/3 cũng đều có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trong vài tuần tới, nhưng khó có khả năng kéo dài đến cuối tháng Tư. Tuy nhiên, sự cố này nhấn mạnh hơn về sự mong manh của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tại Mỹ.

Tiến sĩ Richard Clinch, chuyên gia phân tích kinh tế và tài chính, đồng thời là giám đốc điều hành của Viện Jacob France tại Đại học Baltimore, nhận định cảng Baltimore "có tầm quan trọng sống còn". Ông cho biết tác động lâu dài từ vụ sập cầu phụ thuộc vào thời gian sửa chữa và xây dựng lại cây cầu.

Tiến sĩ Clinch nói: "Nếu mất sáu tháng sửa chữa, nó sẽ tác động không quá lớn, nhưng tôi không nghĩ nhanh như vậy. Nếu quá trình khôi phục cầu mất hai năm, tăng trưởng của lĩnh vực vận tải Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lâu dài".

Diệu Linh  (TTXVN)
Tàu đâm sập cầu ở Mỹ bằng lực ngang với phóng tên lửa
Tàu đâm sập cầu ở Mỹ bằng lực ngang với phóng tên lửa

Làm thế nào một thứ gì đó di chuyển chậm hơn cả xe đạp lại có thể gây ra tác động tàn khốc, đánh sập cây cầu lớn nhất thành phố Baltimore của Mỹ?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN