Những cách làm mát tự nhiên cho nhà ở trong thời tiết nắng nóng

Bắc Bán cầu vốn được biết đến là vùng có khí hậu mát mẻ hơn nhưng cũng đang ấm dần lên. Châu Âu là châu lục ấm lên nhanh nhất trên thế giới và Canada đang nóng lên nhanh hơn 2 lần so với phần còn lại của thế giới.

Điều này đồng nghĩa rằng hàng triệu người đang sinh sống trong những ngôi nhà được thiết kế phù hợp với hình thái thời tiết sắp không còn tồn tại, với những ảnh hưởng đáng lưu tâm. 

Chú thích ảnh
Sự kỳ diệu của thiết kế sân vườn Maroc. Ảnh: Alessio Mei/houseandgarden.co.uk

Năm 2003, một đợt sóng nhiệt xảy ra tại châu Âu đã khiến ít nhất 70.000 người tử vong, trong khi mùa Hè năm 2022 với những ngày nhiệt độ cao kỷ lục đã khiến khoảng 61.670 người thiệt mạng do những nguyên nhân liên quan nắng nóng trên toàn bộ 35 quốc gia trên toàn khu vực. Những nguy cơ trên đặc biệt đáng lo ngại với những người làm việc nhiều giờ trong nhà, trong đó người châu Âu và người Bắc Mỹ thường dành khoảng 90% thời gian làm việc trong nhà và với những người chưa quen với việc làm mát nhà ở. Trên toàn châu Âu, chưa đến 10% người dân có điều hòa nhiệt độ trong nhà trong khi việc tăng tỷ lệ lắp đặt điều hòa sẽ càng làm tình trạng nắng nóng thêm nghiêm trọng vì điều hòa thải thêm khí carbon và tăng tiêu thụ điện. Như vậy, các giải pháp hữu cơ, như những giải pháp phổ biến ở những nơi có kinh nghiệm xây dựng phù hợp với thời tiết nắng nóng, đang được xem xét ứng dụng tại những nước vốn đã quen với thời tiết mát mẻ và thiếu chuẩn bị cho tình trạng ấm lên toàn cầu. 

Giorgos Petrou, nghiên cứu sinh khoa vật lý xây dựng và quy hoạch đô thị tại Đại học London College (UCL), cho rằng cần học tập từ những quốc gia đã có kinh nghiệm ứng phó với những mùa Hè nóng nực trong những năm qua. Việc đưa các mẫu thiết kế nhà ở tại những nơi khác về áp dụng và xây theo là không khả thi, nhưng có thể kết hợp một số yếu tố trong kiến trúc để tìm ra những giải pháp điều chỉnh phù hợp. Khi mùa Hè nóng nực đang thiêu đốt các thành phố từ Boston ở Mỹ tới Berlin ở Đức, Bloomberg đăng bài đề xuất 4 ý tưởng thiết kế có thể ứng dụng.

Thứ nhất, mô hình vườn trong nhà của người Maroc. Nhiệt tích tụ trong phòng do ánh nắng chiếu trực tiếp vào tường và cửa sổ. Để giảm nhiệt tích tụ và giữ không gian mát mẻ, một số thị trấn nhỏ và thành phố ở miền Nam châu Âu có những tuyến phố nhỏ và lộng gió để tận dụng tối đa gió thổi và bóng râm. Ở những nơi như Trung Quốc, Ấn Độ và miền Bắc của châu Phi, sân vườn cũng được dùng để tạo ra những chỗ mát mẻ và được rào xung quanh. Việc bổ sung các nguồn nước cũng sẽ tăng hiệu quả làm mát.

Tại Maroc, các mô hình vườn trong nhà có kết hợp đài phun nước hoặc hồ nước trong sân vườn, giúp làm mát tòa nhà xung quanh. Không chỉ tạo cảnh quan, vào mùa Hè, khi nhiệt độ thường xuyên ở 40 độ C, các sân vườn cũng có vai trò quan trọng giúp đảm bảo yếu tố an toàn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng mô hình thiết kế vườn trong nhà giúp tạo ra một kiểu khí hậu thu nhỏ, mang lại sự thoải mái nhờ quá trình lưu thông không khí trên nước- không khí nóng khi di chuyển trên mặt nước sẽ mất đi một phần nhiệt, từ đó tạo hiệu ứng làm mát- và nhờ cung cấp bóng râm từ cây xanh. Việc lau nhà, làm ướt những khu vực bên ngoài nhà cũng giúp làm mát cả bên trong và bên ngoài nhà ở.

Thứ hai, mô hình nhà biệt thự nhiều cửa chớp kiểu Tây Ban Nha. Theo Anna Mavrogianni, Giáo sư xây dựng bền vững thuộc Viện thiết kế và thi công môi trường, tại UCL, cho rằng cách tốt nhất để giữ cho ngôi nhà mát mẻ là ngăn ánh nắng tiếp cận ngôi nhà. Các biện pháp che chắn từ bên ngoài, nhờ cửa chớp hoặc mái hiên, sẽ có hiệu quả hơn là các biện pháp làm mát bên trong.

Theo giáo sư Petrou, việc lắp đặt các cửa chớp bên ngoài rất phổ biến ở các nước có thời tiết nóng, hầu như là tất cả các ngôi nhà đều được trang bị cửa chớp. Một trong những nghiên cứu của ông chỉ ra rằng London có thể giảm 38-73% tỷ lệ tử vong vì nắng nóng trong những mùa Hè tới bằng cách lắp đặt cửa chớp bên ngoài (kết quả này còn tùy thuộc vào mức độ phổ biến của việc lắp cửa chớp và mức độ ấm lên của thời tiết). Ở các nước nóng hơn, mái che hoặc ban công cũng được đưa vào thiết kế nhà ở để chắn ánh nắng, trong khi tường và mái nhà được sơn màu sáng để giảm hấp thụ nhiệt. Trong trường hợp không thể lắp thêm cửa chớp, rèm che và tấm chắn nắng được coi là các giải pháp thay thế hữu hiệu. 

Thứ ba, ứng dụng từ cách làm windcatcher- những tòa tháp với các lỗ thông khí để đưa gió mát vào tòa nhà- của người Iran. Dù không thể xây các tòa tháp nhưng việc đóng cửa sổ khi nhiệt độ bên ngoài lên cao và mở cửa sổ sau khi nhiệt độ đã giảm, mở các cánh cửa chéo nhau để tăng hiệu quả lưu thông khí trong nhà sẽ có hiệu quả làm mát cho ngôi nhà trong thời tiết nắng nóng.

Thứ tư, ứng dụng những ưu điểm của kiểu thiết kế nhà dây leo bao quanh của Italy. Việc có giàn dây leo bao quanh nhà ở giúp hạn chế sức nóng nhờ vừa cung cấp bóng râm vừa làm mát tự nhiên khi nước từ rễ cây tỏa ra không khí, làm mát khu vực xung quanh. Điều này cũng giúp giảm hiện tượng "đảo nhiệt đô thị", trong đó các đô thị thường nóng hơn vùng nông thôn do có nhiều tòa nhà cao tầng và nhiều cơ sở hạ tầng. Một nghiên cứu năm 2004 ở vùng ngoại ô Toronto (Canada) cho thấy cây xanh che mát giúp giảm 30% điện tiêu thụ mỗi năm. Ngược lại, các loại điều hòa làm gia tăng hiện tượng "đảo nhiệt đô thị" khi đẩy khí nóng ra ngoài trong quá trình làm mát bên trong nhà.

Lê Ánh (TTXVN)
Nắng nóng ngột ngạt bao trùm 3 châu lục
Nắng nóng ngột ngạt bao trùm 3 châu lục

Thời tiết bóng bức đang hoành hành tại 3 châu lục, gây ra cháy rừng và có thể xô đổ các kỷ lục về nhiệt độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN