Hồi tháng 4, ông Abe đã yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia nghiên cứu, sản xuất để cung cấp 2.000 máy thở để bổ sung vào kho dự trữ đã có sẵn 4.700 máy ở các bệnh viện. Hơn 8.300 máy thở cũng đã được trang bị trong các cơ sở chăm sóc y tế đặc biệt, nhưng chỉ một phần trong số đó được dùng để duy trì sự sống cho các bệnh nhân COVID-19.
Bộ Y tế Nhật Bản thừa nhận các bệnh viện hiện nay chủ yếu mua máy thở nhập khẩu từ nước ngoài và đã có đủ số lượng máy thở cần thiết.
Ông Akihisa Maeda, một quan chức Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động Nhật Bản, thừa nhận số máy thở hiện nay đã nhiều hơn số lượng mà Nhật Bản cần có, ngoài ra cũng không có nhiều nhân viên đủ khả năng để vận hành máy thở.
Máy thở được dùng để đưa không khí vào hai buồng phổi chứa đầy chất lỏng của những bệnh nhân COVID-19 đang nguy kịch thông qua một ống dẫn khí được đưa vào khí quản và yêu cầu phải theo dõi liên tục. Đến nay, mới chỉ có khoảng 5% bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tại Nhật Bản cần phải tiến hành đặt nội khí quản. Vào thời điểm đầu tháng 5, có khoảng 4.500 bệnh nhân COVID-19 được điều trị trong các bệnh viện tại Nhật Bản, nhưng chỉ khoảng 270 bệnh nhân phải dùng máy thở.
Cho đến nay, tổng số cố ca tử vong do dịch COVID-19 tại Nhật Bản là dưới 800 ca. Hiện số ca mắc COVID-19 mới ở thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận đang có xu hướng giảm. Hiệp hội Hô hấp Nhật Bản cho rằng hiện đã có đủ số máy thở kể cả khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại.