Nhà cổ Trung Quốc trước xu thế thương mại hóa

Trong khu sân vườn một ngôi nhà cổ ở thành phố Nam Ninh, miền nam Trung Quốc, các nhân viên nhà hàng nhiệt tình phục vụ các khách hàng những món ăn đặc biệt được chuẩn bị hết sức cầu kỳ. Nếu chú ý, người ta còn nhìn thấy cụm từ “di sản văn hóa Nam Ninh” được khắc trên bức tường trước cổng ngôi nhà.


Một phòng trong nhà hàng Xu Garden). Ảnh: THX-TTXVN

Xu Garden, nằm ở trung tâm khu tự trị Choang Quảng Tây ở miền nam Trung Quốc, vốn thuộc sở hữu của ông Huang Xuchu, người đứng đầu vùng đất Quảng Tây trong suốt 20 năm trước khi nhà nước CHDCND ra đời năm 1949.


Mặc dù có ý nghĩa văn hóa to lớn, song ngôi nhà của ông Huang và các di tích lịch sử khác đang bị đe dọa nghiêm trọng do tiến trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.


Xu Garden và nhiều khu dinh thự nổi tiếng khác đã được cải tạo thành các nhà hàng và quán bar, điều này đồng nghĩa với việc các khu nhà lịch sử đã bị thương mại hóa. Xie Liangzhi, ông chủ của nhà hàng Xu Garden cho biết ông đã thuê lại ngôi nhà này từ năm 2005 và bỏ ra hơn 2 triêu dân dân tệ (hơn 6 tỉ VNĐ) để cải tạo thành nhà hàng.


Ông Xie chia sẻ: “Nếu chúng tôi không sử dụng ngôi nhà này, nó có thể đã bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có thể bị phá hủy, trong khi chính quyền không có đủ tiền để duy trì bảo dưỡng”. Ông Xie cũng cho biết hàng năm phải bỏ ra 100.000 NDT để duy tu tòa nhà này.


Tuy nhiên, các công dân mạng lại không hài lòng về việc thương mại hóa các kiến trúc này. Một người có nick Dongbian Richu cho biết: “Chúng ta không có nhiều tòa nhà giống như vậy, do đó cần phải bảo vệ chúng theo cách tốt hơn”. Người này cũng cho biết: “Việc biến những khu di tích lịch sử thành nhà hàng không những sỉ nhục những người chủ đã làm ra chúng mà còn làm mất giá trị của chính những ngôi nhà này”.


Trong khi đó, một quan chức thuộc cơ quan văn hóa thành phố Nam Ninh đề nghị được giấu tên cho biết việc bảo vệ các di tích văn hóa theo cách thương mại hóa là tương đối phổ biến.


Cũng theo vị quan chức trên, chính quyền thành phố Nam Ninh ủng hộ cách làm này với yêu cầu những tòa nhà được thương mại hóa không bị hư hỏng.


Wu Bin, một quan chức phụ trách mảng văn hóa của thành phố cho biết vấn đề hiện nay là không có các tiêu chuẩn quy định về việc phát triển thương mại cho các tòa nhà này. Còn giáo sư chuyên ngành xã hội học Xia Jinluan của đại học Bắc Kinh cho rằng, chính quyền cần phải thảo luận với nhau để đưa ra các điều luật và chính sách liên quan, cũng như các khoản kinh phí nhiều hơn nữa để bảo vệ các di sản văn hóa ở địa phương mình.



L.H (theo THX)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN