“Nhà chuồng chim” - mô hình mới cho người nghèo

Tận dụng các nguyên liệu địa phương sẵn có nhằm tạo ra những công trình bền vững về mặt sinh thái và xã hội, dự án “Nhà chuồng chim” - một thiết kế đặc biệt của tổ chức phi lợi nhuận của Na Uy Tyin Tegnestue nhằm cung cấp chỗ ở cho trẻ em mồ côi ở Thái Lan đã trở thành hình mẫu về kiến trúc ứng dụng đối với cộng đồng dân cư nghèo hoặc tại những khu vực vừa chịu thảm hoạ thiên tai vốn đang ngày càng xảy ra ở nhiều nơi trên Trái Đất.


Một ngôi Nhà chuồng chim cho trẻ mồ côi tại Thái Lan.


Dự án Nhà chuồng chim được xây dựng ở làng trẻ mồ côi Karen của Thái Lan, gần biên giới với Mianma. Người dân địa phương gọi đây là những “Soe Ker Tie Hias”, theo tiếng Thái nghĩa là những ngôi nhà chuồng chim, bởi nhìn bề ngoài chúng giống như chuồng chim. Ngôi nhà kiểu này có phần móng được làm từ các lốp xe cũ để tránh bị mục nát khi môi trường ẩm ướt. Tường nhà được đan xếp bằng tre nhằm tránh phải dùng đến loại gỗ cứng nhiệt đới. Mái nhà được thiết kế để gió có thể lưu thông và thu được nước mưa dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Điều này khiến khu vực xung quanh tòa nhà trở nên đặc biệt có ích trong mùa mưa, giúp tích trữ nước để dùng trong mùa khô. Kiểu nhà này có thể được sản xuất từ trước và lắp ráp tại chỗ. Dự án đã hoàn thành từ tháng 2/2009 và hiện làm chỗ ở cho 50 trẻ em mồ côi.

Ý tưởng kiến trúc mới này là một giải pháp có thể thay thế các phòng ngủ tập thể ở các làng trẻ em mồ côi. Các kiến trúc sư muốn tạo điều kiện cho trẻ em được trải nghiệm một cuộc sống bình thường hơn, với một không gian cho riêng mình được kết nối với tập thể, với những người hàng xóm mà chúng có thể cùng sống và vui chơi với nhau.

Ông Andreas G. Gjertsen, 1 trong 5 thành viên Tổ chức Tyin Tegnestue, bày tỏ hy vọng dự án của họ sẽ mở đường cho một sự thay đổi lớn trong việc giải quyết chỗ ở cho người dân tại các vùng chịu thảm hoạ thiên tai như động đất hay lũ lụt. Đặc biệt, ông cho biết kiểu nhà này rất hữu dụng đối với người dân Haiti vốn đang phải sống tạm bợ trong các khu lều bạt mất vệ sinh sau thảm hoạ động đất kinh hoàng hồi đầu năm nay ở quốc gia vùng Caribe này. Mới đây, ông Gjertsen cũng đã đến Haiti để tư vấn cho một nhóm sinh viên kiến trúc tại Poóctô Pranhxơ.


Cảnh sinh hoạt của trẻ em mồ côi trong một Nhà chuồng chim ở Thái Lan.


Đáng mừng là Tyin Tegnestue không đơn độc trong hành trình thiết kế nơi ở cho cộng đồng nghèo. Công ty Kiến trúc vì Nhân loại (AFH) đã khởi động chương trình làm việc từ 6 đến 12 tháng với các kiến trúc sư và nhà thầu xây dựng tại các nước đang phát triển để thực hiện một dự án. Hãng tin CNN dẫn lời Karl Johnson, một kiến trúc sư thuộc AFH nhận định: “Kiến trúc có thể tạo điều kiện đảm bảo các quyền con người như nơi trú ngụ, nước uống, sự riêng tư và sự ổn định. Điều quan trọng là kết hợp tất cả các yếu tố này trong một dạng nhà ở mà người dân có thể phần nào tự lo cho cuộc sống của mình”.

AFH đã hoàn thành công trình Sân nước mưa Mahiga tại vùng nông thôn Kenya, một sân rộng như sân bóng rổ có lắp mái che thu được nước mưa. Ông Johnson cho biết thiết kế này vừa tiện lợi vừa hữu dụng. Tuy nhiên, theo ông, dự án hấp dẫn và tham vọng nhất hiện nay của AFH là Chương trình Tái thiết Haiti sau trận động đất hồi tháng 1/2010. AFH đã mở một văn phòng ở Poóctô Pranhxơ để điều phối 5 nhân viên tại chỗ và một đội tình nguyện viên làm việc với các chuyên gia ở địa phương nhằm giúp việc thiết kế và xây dựng trường học trên toàn đảo quốc này.

Ông Johnson cho biết các công trình sẽ tận dụng tối đa nguyên liệu địa phương và sử dụng lao động bản địa trong quá trình thi công. Điều này tạo ra lợi ích kép: Chi phí sẽ rẻ hơn, ít nhất là tiết kiệm được chi phí vận chuyển, và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Theo ông, kiến trúc phù hợp không chỉ cần đáp ứng tiêu chí bền vững về mặt sinh thái, mà cả về kinh tế và văn hóa.

Tyin Tegnestue cho biết tìm ra một cách để sử dụng các kỹ năng của mình tạo ra những cái tốt đẹp hơn là cả một trải nghiệm lớn. “Câu thần chú của mọi thần chú đối với chúng tôi là: Hãy làm đi! Thử nghiệm sẽ mang lại kết quả nhiều hơn là nói và lên kế hoạch”.

Bạch Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN