Nguyên nhân leo thang tranh chấp trên biển giữa Israel-Liban

Căng thẳng đang gia tăng giữa Israel và Liban về biên giới hàng hải của họ sau khi tàu thăm dò do Israel ký hợp đồng đến khu vực tranh chấp.

Chú thích ảnh
Căng thẳng gia tăng một lần nữa xung quanh việc phân định biên giới trên biển giữa Israel và Liban. Bản đồ tranh chấp biên giới trên biển giữa Israel và Liban. Ảnh: MEE

Sự xuất hiện của tàu thuộc tập đoàn năng lượng Energean do Israel ký hợp đồng ở biên giới trên biển giữa Israel và Liban gần đây đã khiến tranh chấp hàng hải kéo dài giữa hai nước leo thang, làm dấy lên căng thẳng mới trong khu vực.

Sau sự xuất hiện tàu sản xuất, lưu trữ (FPSO) của Energean đến vùng biển tranh chấp để phát triển mỏ khí Karish cho Israel, Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng Najib Mikati của Liban đã cảnh báo Tel Aviv liên quan đến việc Energean khởi động các hoạt động phát triển mỏ khí Karish trong một khu vực tranh chấp, trong khi nhóm chiến binh Hezbollah ở Liban đe dọa sử dụng vũ lực để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này, gây ra lo ngại về một cuộc leo thang bạo lực.

Các quan chức Liban cho biết cố vấn năng lượng và hòa giải cấp cao của Mỹ Amos Hochstein sẽ đến thăm Beirut vào tuần này để khởi động lại các cuộc đàm phán biên giới trên biển, vốn đã bị đình trệ do Liban tuyên bố rằng bản đồ mà Liên hợp quốc sử dụng trong các cuộc đàm phán cần được sửa đổi.

Tranh chấp hàng hải giữa Israel và Liban bắt đầu từ năm 2007, khi một thỏa thuận song phương giữa Liban và Cyprus (Síp) về việc phân định biên giới trên biển của họ để ngỏ khả năng sửa đổi một vùng biển giữa Israel và Liban. Mặc dù Síp đã phê chuẩn hiệp định này vào năm 2009, nhưng Liban thì không.

Năm 2010, Israel đã ký một thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế với Síp, lấy tọa độ được điều chỉnh trong thỏa thuận Síp-Liban làm ranh giới phía Bắc. 

Do đó, biên giới hàng hải phía Bắc mà Israel tuyên bố chủ quyền chồng lên biên giới phía Nam của Liban, tạo ra tranh chấp giữa hai nước, với việc Liban cáo buộc thỏa thuận là một cuộc tấn công vào quyền chủ quyền của họ đối với khu vực đó.

Tuy nhiên, Israel đã nộp các tọa độ của mình cho Liên hợp quốc vào tháng 7/2011.

Tranh chấp về khu vực rộng 860 km2 trên đã leo thang vào cuối năm 2017, khi Liban ký thỏa thuận thăm dò và sản xuất khí đốt với một tập đoàn bao gồm công ty Total của Pháp, công ty Eni của Italy và Novatek của Nga cho các lô khí đốt 4 và 9. 

Chú thích ảnh
Các lô khí đốt và biên giới tranh chấp trên biển giữa Israel và Liban. Ảnh: MEE

Việc thăm dò Lô 4 được tuyên bố là không khả thi về mặt thương mại, nhưng các cuộc khảo sát địa chấn cho thấy kết quả đầy hứa hẹn đối với Lô 9, mặc dù chỉ khoan mới có thể xác nhận sự tồn tại của các nguồn khí đốt thương mại. 

Tuy nhiên, mặc dù đã cam kết thỏa thuận thăm dò với Liban, Total nhấn mạnh rằng họ sẽ không bắt đầu hoạt động ở Lô 9 cho đến khi tranh chấp hàng hải giữa Israel và Liban được giải quyết.

Vào tháng 6/2020, thông báo của Israel về vòng đấu thầu ngoài khơi thứ ba để thăm dò dầu khí tự nhiên Lô 72, nằm trong khu vực tranh chấp giữa giới tuyến số 1 và số 23, đã dẫn đến việc bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp do Mỹ làm trung gian, nhưng cuối cùng đã bị đình trệ.

Hiện nay, Israel tuyên bố quyền khai thác trên mỏ Karish vì ranh giới trên biển của Liban được thiết lập trên giới tuyến số 23, không giao với mỏ chứa khí đốt. 

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra cùng với nhu cầu độc lập khỏi khí đốt từ Moskva của EU, cả Israel và Liban đều có tham vọng tăng cường khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Với Liban, đây có thể là cơ hội vàng cho một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài kể từ năm 2019, do Liên minh châu Âu sẽ đầu tư ồ ạt vào năng lượng tái tạo, với khí đốt được coi là đầu tư xanh, sau Thỏa thuận Xanh và sự độc lập khỏi khí đốt của Nga.

Bên cạnh đó, việc khai thác khí đốt có thể giúp Liban thúc đẩy nền kinh tế phát triển và cung cấp cho người dân các lợi ích xã hội cơ bản, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và điện.

Không giống như Liban, Israel đã tham gia vào ngành công nghiệp thăm dò khí đốt trong nhiều thập kỷ. Sau nhiều năm dựa vào nhập khẩu, Israel bắt đầu sản xuất khí đốt tự nhiên từ các mỏ khí đốt ngoài khơi vào năm 2004. 

Sau cuộc xung đột ở Ukraine, Israel đang đổi mới hoạt động khai thác khí đốt tự nhiên ngoài khơi. Cuộc xung đột đã khiến châu Âu cần nhanh chóng thay thế nguồn cung cấp trước đây từ Nga. 

Do đó, nhu cầu của EU đã khiến Israel phải chuẩn bị một vòng đấu thầu mới cho việc thăm dò khí đốt ngoài khơi bờ biển Địa Trung Hải để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, mặc dù Bộ trưởng Năng lượng Israel Karine Elharrar trước đó thông báo rằng các hoạt động thăm dò các mỏ khí đốt mới sẽ được tạm dừng để tập trung vào việc phát triển năng lượng tái tạo.

Israel đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng khí đốt tự nhiên lên 40 tỷ mét khối bằng cách mở rộng các dự án hiện có và khai thác các dự án mới, chẳng hạn như mỏ khí Karish, để đáp ứng nhu cầu của châu Âu.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Middleeasteye.net)
Lãnh đạo châu Âu dồn dập tới Israel tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Nga
Lãnh đạo châu Âu dồn dập tới Israel tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Nga

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 13/6 đã đến Israel để đàm phán vấn đề năng lượng, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tìm cách giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN