Nguy cơ xung đột ở Ukraine đẩy giá dầu tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng

Sản lượng cung ứng về dầu mỏ và khí đốt trên phạm vi toàn cầu bị hạn chế khiến bất kỳ bước đi nào của Nga ở Ukraine đều là sự kiện tiềm ẩn nguy cơ địa chính trị.

Chú thích ảnh
Giá dầu đạt mức đỉnh trong 8 năm trở lại đây do những căng thẳng địa chính trị liên quan đến Ukraine cũng như nguồn cung hạn chế từ OPEC+. Ảnh: Reuters

Nguy cơ Nga can thiệp quân sự ở Ukraine đang gây rúng động thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn đã quá mong manh, đẩy giá dầu tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng. Các nhà giao dịch tính toán rằng nguồn cung sẽ không thể theo kịp diễn biến thị trường nếu dòng nhiên liệu hóa thạch từ Nga có bất kỳ đứt gãy mạnh nào.

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đã vượt trội so với tăng trưởng sản lượng khai thác trong bối cảnh các nền kinh tế dần phục hồi trở lại sau tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, khiến thị trường năng lượng không còn nhiều dư địa để hỗ trợ trung hòa một cú sốc cung-cầu. Nga là nhà sản xuất dầu thô đứng thứ ba thế giới và nếu như xung đột ở Ukraine dẫn đến hệ quả dòng dầu thô cung ứng từ Nga bị cắt giảm mạnh, đó sẽ là một cú đánh lớn nữa vào cán cân cung-cầu trên thị trường.

Những diễn biến này khiến giới giao dịch dầu thô trong vài ngày gần đây coi bất ổn địa chính trị liên quan đến điểm nóng Ukraine là nhân tố tác động hàng đầu trên thị trường. Giá dầu mỏ vốn chưa bao giờ vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014 đã lên mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây trong phiên giao dịch ngày 11/2. “Chúng ta chớm đang bước vào giai đoạn của biến động. Nguy cơ ngày một trầm trọng hơn khi thị trường năng lượng vốn đã ở trạng thái căng thẳng”, Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.

Lo ngại về một cuộc can dự quân sự tiềm tàng của Nga ở nước láng giềng Ukraine cũng khiến thị trường chứng khoán toàn cầu biến động – vốn trồi sụt mạnh từ lạm phát tăng cao, lãi suất trái phiếu tăng vọt, dao động mạnh. Nga cũng là nhà xuất khẩu chủ chốt của nhiều loại hàng hóa khác, nổi bật là lúa mỳ. Vì thế, giá những mặt hàng này cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn trong trường hợp nổ ra xung đột ở Ukraine.

Ở thời điểm hiện tại, giới phân tích cho rằng ít có khả năng xảy ra đứt gãy lớn về nguồn cung dầu mỏ của Nga ra thị trường. Bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa phát đi tín hiệu nào về đòn đáp trả cấm vận, trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Nga. Về phần mình, Moskva dựa phần lớn vào nguồn thu dầu mỏ xuất khẩu để trang trải cho ngân sách nhà nước, một thực tế ngầm cho thấy điện Kremlin sẽ không tự đóng van xuất khẩu dầu khí để trả đũa.

Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn tuyên bố cứng rằng mọi biện pháp trừng phạt vẫn còn nguyên trên bàn và chiến tranh có thể sẽ dẫn đến những kết cục không thể dự báo được. Cuối tuần trước, giới chức cấp cao Mỹ đồng loạt cảnh báo Nga có thể tấn công quân sự nhằm vào Ukraine “bất cứ lúc nào” – một tuyên bố mà Moskva luôn kịch liệt bác bỏ.

Chú thích ảnh
Giá dầu tăng làm giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm tăng theo, gây nguy cơ trực diện về lạm phát ở nhiều nền kinh tế. Ảnh: Getty Images

Hệ quả thế giới phải gánh chịu là không thể xem thường. Giá khí đốt và dầu mỏ tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá xăng và các mặt hàng tiêu dùng khác, đẩy lạm phát lên cao. Nga là nhân tố có mức độ chi phối lớn trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày và khoảng 2,5 triệu thùng sản phẩm xăng dầu, chiếm lần lượt 12% và 10% lượng trao đổi toàn cầu. Khoảng 60% dầu mỏ xuất khẩu của Nga là sang châu Âu, 30% sang Trung Quốc.

Căng thẳng Ukraine nổ ra tại thời điểm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cam kết tăng dần sản lượng khai thác theo lộ trình đề ra. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của các nước hiện cũng chưa đạt được hạn mức cho phép theo cam kết của khối về tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày. “Thị trường đang đặt câu hỏi nghi vấn về khả năng OPEC+ khôi phục được mức sản lượng như trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện”, chuyên gia Andy Lipow – Chủ tịch hãng tư vấn về thị trường dầu mỏ Lipow Oil Associates tạ Houston, Texas (Mỹ), nhìn nhận.

Hiện tại, khả năng cao nhất về đứt gãy nguồn cung năng lượng là xuất khẩu khí đốt. Sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga là khoảng 23 triệu m3 khí/ngày, chiếm 25% lượng giao dịch toàn cầu. Khoảng 85% lượng khí đó là xuất sang châu Âu. Nếu xung đột nổ ra, tuyến đường ống khí đốt sang châu Âu qua ngả Ukraine sẽ bị đình trệ. Châu Âu sẽ rất khó khăn để tìm kiếm nhà cung ứng thay thế tức thời.

Khí đốt cung ứng từ Nga giảm cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ, do cạnh tranh ngày một gay gắt, giá khí đốt cao cũng buộc một số nhà máy điện chạy khí chuyển sang chạy dầu, làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thô, đẩy giá tăng cao. Ngay cả khi Mỹ không có ý đánh trực diện ngành năng lượng Nga, những hình thức cấm vận khác như trừng phạt tài chính cũng sẽ gây rúng động thị trường hàng hóa toàn cầu, trong đó có dầu mỏ, do những nhà vận hành khai thác gặp rào cản về tài chính.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (Theo WSJ)
Sẽ là thảm họa khi dầu mỏ của Nga không sang được châu Âu
Sẽ là thảm họa khi dầu mỏ của Nga không sang được châu Âu

Khủng hoảng Nga-Ukraine gửi cảnh báo cao độ tới thị trường năng lượng về khả năng đứt gãy nguồn cung năng lượng của Nga sang châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN