Nguy cơ lũ tràn vào trung tâm Băngcốc

Ngày 24/10, tình hình lũ lụt tại Thái Lan tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt thủ đô Băngcốc có nguy cơ ngập trong nước khi mực nước tại một số vùng ngoại ô phía bắc tiếp tục tăng và giới chức nước này thừa nhận không thể bảo đảm an toàn 100% cho phần còn lại của Băngcốc. Chính phủ nước này cảnh báo trong 4 - 5 ngày tới, hàng tỷ mét khối nước từ thượng nguồn phía bắc Thái Lan đổ về cộng với triều cường có thể sẽ đẩy thủ đô Thái Lan vào vòng nguy hiểm mới.

Cảnh ngập lụt tại thủ đô Băngcốc, Thái Lan ngày 23/10. Ảnh:AFP/TTXVN


Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bày tỏ lo ngại về tình hình lũ lụt tại các quận phía bắc Băngcốc và thừa nhận “có nhiều địa điểm không thể kiểm soát”. Theo bà Yingluck, nước lũ đến từ hai hướng chính và người dân Băngcốc sẽ chịu nhiều ảnh hưởng khi nước tràn qua, đặc biệt nước tràn vào kênh Saen Saep chạy dọc qua trung tâm thành phố. Bà cũng cảnh báo người dân thủ đô cần chuẩn bị đối phó với khả năng nước lũ có thể gây ngập tới 1 mét và kéo dài khoảng 6 tuần trước khi lũ rút. Hiện ở trung tâm Băngcốc vẫn khô ráo, song một số nơi ở ngoại ô phía bắc, nước đã ngập tới ngang thắt lưng người.

Chính phủ Thái Lan đã quyết định để nước lũ tràn vào 7 quận bắc và đông bắc thủ đô nhằm giảm bớt áp lực của dòng chảy. Các nhà chức trách Băngcốc cũng đã yêu cầu khoảng 3.000 người dân sinh sống tại các khu vực ven con sông cả Chao Phraya, chạy qua Băngcốc, sơ tán khẩn cấp. Tại khu vực Sam Sen, nơi có khá đông người Thái gốc Việt sinh sống, tới nay đã có ít nhất trên 20 gia đình với 53 nhân khẩu sống sát sông Chao Phraya buộc phải rời nhà tạm lánh vào một trường học tại đó. Nước lũ cũng đã tiến sát tới sân bay Don Mueang nằm ở phía bắc Băngcốc, nơi đang được trưng dụng làm chỗ tạm trú cho hàng nghìn người dân sơ tán. Hầu hết các điểm du lịch và sân bay chính của thủ đô dự kiến cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi đợt nước lũ lần này. Chính phủ đã đặt hàng chục nghìn binh lính và cảnh sát trong tình trạng báo động.

Phát biểu trên truyền hình ngày 24/10, Thị trưởng thành phố Băngcốc, ông Sukhumbhand Paribatra, khẳng định: “Băngcốc bị ảnh hưởng có nghĩa là cả nước sẽ bị tác động theo. Bảo vệ Băngcốc là điều tối quan trọng vì sự an toàn của thủ đô là sự an toàn của cả đất nước”. Ông kêu gọi người dân Băngcốc không hoảng loạn và nhấn mạnh rằng người già, trẻ em và người ốm yếu sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Trước đợt lũ lụt nghiêm trọng đang hoành hành ở Đông Nam Á, Liên minh châu Âu (EU) mới đây thông báo sẽ dành 10 triệu euro hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại 5 nước Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Campuchia, Lào, Philíppin và Việt Nam. EU đánh giá đợt lũ lụt năm nay đã tàn phá nặng nề khu vực này, làm nhiều người thiệt mạng, phá hủy cơ sở hạ tầng, tài sản và nơi sinh sống của người dân.

Trước nguy cơ nước lũ tràn vào trung tâm Băngcốc, người dân thủ đô trong những ngày qua đã đổ xô đến các cửa hàng, siêu thị mua lương thực và nước uống để tích trữ. Các mặt hàng thực phẩm dự trữ như mỳ tôm, nước đóng chai, trứng, gạo... đang trở nên khan hiếm tại nhiều cửa hàng, siêu thị. Phó Thủ tướng Thái Lan Kittirat Na-Ranong cùng ngày cho biết, chính phủ sẽ thành lập một trung tâm phân phối hàng ở Băngcốc và cho rằng việc này là đặc biệt cần thiết để nhanh chóng bổ sung hàng hóa cho các cửa hàng và siêu thị. Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan đã lệnh cho các bệnh viện tại vùng lũ tích trữ thuốc men và các vật dụng cần thiết để có thể cầm cự được trong 3 tuần.

Mưa lớn gây lũ lụt trong vòng 3 tháng qua đã tràn qua 28/77 tỉnh của Thái Lan, làm hơn 350 người thiệt mạng, phá hủy nhiều nhà cửa và nơi sinh sống của khoảng 9,4 triệu người. Thiệt hại kinh tế ước tính ít nhất là 3 tỷ bạt. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã phải hạ dự báo tăng trưởng của nước này năm nay xuống còn 3% so với dự báo 4,1% đưa ra trước đó.

Ngọc Tiến (P/v TTXVN tại Thái Lan) - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN