Nguy cơ bất ổn xã hội Pháp trước thềm EURO 2016

Các cuộc đình công trong ngành đường sắt và hàng không đang có nguy cơ gây bất ổn cho nước Pháp chỉ chưa đầy 2 tuần trước thềm Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016), sau khi các nghiệp đoàn ngày 30/5 vẫn không thay đổi quan điểm rằng cần hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới.

Người dân Pháp tham gia biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động tại Toulouse ngày 17/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi người đứng đầu Liên đoàn giới chủ Pháp cáo buộc các nghiệp đoàn cư xử như "những kẻ khủng bố", giao thông nước này có nguy cơ bị ảnh hưởng do các cuộc đình công chỉ vài ngày trước khi người hâm mộ bóng đá bắt đầu đến Pháp để tham dự EURO 2016 - theo kế hoạch sẽ khai mạc ngày 10/6 tới. Trong khi đó, các nhà quản lý trong ngành du lịch ở Paris cũng đã bày tỏ quan ngại rằng các cuộc bãi công và tuần hành thường xuyên biến thành bạo lực tại Pháp đang làm cản trở du khách đến một trong những địa điểm du lịch hàng đầu thế giới này. Điều đó sẽ càng làm tăng mối "lo ngại và hiểu lầm" đối với các du khách vốn quan ngại về nước Pháp từ sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương hồi tháng 11 năm ngoái.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và chính phủ nước này đã từ chối nhượng bộ yêu cầu kiên quyết của CGT, một trong những nghiệp đoàn lớn nhất nước này đứng sau làn sóng biểu tình trong suốt thời gian vừa qua phản đối dự luật cải cách lao động mới, rằng phải hủy bỏ dự luật được cho là có lợi cho giới chủ hơn người lao động này. Sau khi làm tê liệt toàn nước Pháp bằng cách phong tỏa các nhà máy lọc dầu và các kho chứa nhiên liệu, CGT lại hưởng ứng lời kêu gọi đình công trong mạng lưới đường sắt quốc gia dự kiến bắt đầu từ ngày 31/5 và mạng lưới tàu điện ngầm Paris từ 2/6 tới. Trong khi đó, những hành khách đường không cũng sẽ đối mặt với việc bị hủy hoặc hoãn chuyến bay. Ngoài ra, một cuộc tổng đình công trên toàn quốc cũng đã được lên kế hoạch vào ngày 14/6 - ngày Thượng viện Pháp bắt đầu thảo luận về dự luật lao động gây tranh cãi nói trên.

Làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp bắt đầu từ tháng 3 vừa qua nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà chính phủ đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên. Tuy nhiên, phe phản đối chỉ trích dự luật này làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động. Các cuộc biểu tình khiến giao thông hàng không, giao thông đường sắt đình trệ, gây bất ổn trong xã hội và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế. Sự bất ổn xã hội này càng gây quan ngại hơn trong bối cảnh EURO 2016 đang đến gần. Công đoàn Lực lượng công nhân (FO) thậm chí còn đe dọa sẽ gây cản trở tại sự kiện thể thao trọng đại do Pháp đăng cai tổ chức này.

TTXVN/Tin Tức
Trước thềm Euro, biểu tình vẫn sục sôi tại Pháp
Trước thềm Euro, biểu tình vẫn sục sôi tại Pháp

Ít nhất 62 người bị bắt giam trong khi 15 nhân viên cảnh sát Pháp đã bị thương trong các vụ đụng độ giữa hai bên xảy ra trong hoạt động biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động trên toàn quốc ngày 26/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN