Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin người đàn ông 30 tuổi này đã tiêm thêm hai liều vaccine Pfizer/BioNTech mặc dù đã tiêm hai liều Moderna tại Singapore. Thanh niên này hiện làm việc ở Hong Kong và muốn có giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử bản đại để được vào quán rượu.
Trong tuyên bố ngày 19/7, chính quyền Hong Kong cho biết hành vi gian lận của anh ta không chỉ tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe của chính bản thân, mà còn gây liên lụy đến nhân viên y tế đã tiêm cho anh ta và lãng phí nguồn vaccine của thành phố này.
Một người phát ngôn của chính quyền nói: “Hành vi này có thể bị xếp vào khai báo sai sự thật, gian dối để thu lợi cá nhân và cấu thành tội hình sự. Chính quyền sẽ tiến hành điều tra cũng như xem xét tiến hành các hành động pháp lý thích hợp. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ khởi tố người có liên quan”.
Ông khẳng định các cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin sai lệch về tình trạng tiêm chủng và sức khỏe cho nhân viên y tế.
Giáo sư David Hui Shu-cheong, cố vấn chống dịch COVID-19 của Hong Kong, cho hay việc tiêm 4 liều vaccine có thể đem lại một vài lợi ích y khoa, song người tiêm cũng phải nhận kèm thêm những nguy cơ gặp tác dụng phụ, chẳng hạn như sốt, đau đầu hoặc nhức mỏi vùng tiêm vaccine.
Hiện tại, việc đăng ký tiêm vaccine COVID-19 trực tuyến ở Hong Kong chỉ yêu cầu người đăng ký cung cấp thông tin cá nhân, xác nhận đã nắm rõ về những rủi ro có thể xảy ra và chọn nhãn hiệu, thời gian cùng địa điểm để tiêm.
Nhân viên tại trung tâm tiêm chủng hay phòng khám tư nhân thường kiểm tra danh tính người tiêm và hỏi họ đến tiêm mũi 1 hay mũi 2. Người đã tiêm 1 mũi ở ngoài Hong Kong phải cung cấp chi tiết liên quan cho nhân viên y tế để được tư vấn về mũi 2. Những bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất.
Tiến sĩ Joseph Tsang Kay-yan, Chủ tịch Ủy ban về bệnh truyền nhiễm của Hiệp hội Y khoa, nhận xét hiện tồn tại một “lỗ hổng” tại các trung tâm tiêm chủng cộng đồng, vì nhân viên y tế không được quy định phải hỏi người tiêm liệu họ đã tiêm ở nước ngoài hay chưa. Ông đề nghị chính quyền bổ sung một câu hỏi như vậy vào mẫu đơn xác nhận đồng ý tiêm chủng.
“Ít nhất khi có điều gì đó xảy ra, chẳng hạn các tác dụng phụ lớn, thì sẽ rõ ràng đó không phải là lỗi của nhân viên y tế của chúng tôi. Mặc dù điều này vẫn phụ thuộc vào lời khai của người tiêm nhưng nếu họ che giấu việc đã tiêm vaccine ở nơi khác, họ sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Tsang nói.
Về lâu dài, theo ông, chính quyền Hong Kong nên cân nhắc đưa các loại vaccine đã được quốc tế công nhận vào giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử để quản lý thuận tiện hơn.