Người dân bất an khi Hàn Quốc xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân

Sống trong một ngôi nhà nhỏ yên bình gần biển, bà Hwang Bun-hee, 74 tuổi, luôn cảm thấy bất an vì nơi sinh sống của bà chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Wolsong vài phút đi bộ.

Chú thích ảnh
Người dân cắm trại tại bờ biển Gyeongju, Hàn Quốc, phía sau là Nhà máy điện hạt nhân Wolseong. Ảnh: Reuters

“Khi lần đầu đến đây vào năm 1986, nhà máy điện hạt nhân Wolsong chỉ có 1 lò phản ứng. Giờ đây, nhà máy đã mở rộng với 5 lò. Điều tồi tệ nhất là tôi không thể bán tài sản của mình nếu tôi muốn chuyển đi”, bà Hwang chia sẻ với hãng tin Reuters (Anh).

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người vừa nhậm chức vào tháng 5, đã đưa ra mục tiêu loại bỏ dần than đá, thúc đẩy năng lượng hạt nhân trở thành nguồn cung cấp điện chính nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu của đất nước và tăng cường an ninh năng lượng. Chính phủ Hàn Quốc cũng muốn tăng tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong tổng nguồn điện của quốc gia từ 27% hiện nay lên 33% vào năm 2030.

Seoul cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, xảy ra sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, là lời cảnh tỉnh để đất nước này củng cố các nguồn năng lượng quốc gia.

Chính phủ đã đề xuất xây thêm 6 nhà máy hạt nhân trên 24 lò phản ứng hiện tại vào năm 2036, ở một quốc gia có diện tích chỉ tương đương bang Indiana của Mỹ. Điều này khiến hàng trăm cư dân lo ngại sâu sắc khi phải sinh sống trong khu vực có lò phản ứng hạt nhân dày đặc nhất thế giới.

Theo đó, 24 lò phản ứng này sẽ có khả năng tạo ra công suất điện lên tới 23.250 megawatt, tập trung ở 4 khu vực. Như vậy, cứ mỗi khu vực sẽ có tới 5-7 lò phản ứng hạt nhân. Theo dữ liệu do nhà lập pháp Wi Seong-gon tổng hợp, mỗi địa điểm này có khoảng 5 triệu dân sinh sống trong bán kính 30km quanh các nhà máy.

Chú thích ảnh
Bãi biển Imrang, phía sau là Nhà máy điện hạt nhân Kori ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia hạt nhân cho biết các lò phản ứng được xây dựng dày đặc ở Hàn Quốc không gây lo ngại về an toàn, nhưng một số người dân rất khó thuyết phục. Ông Kim Jin-sun, chủ trang trại chăn nuôi 75 tuổi sống gần Wolsong, cho biết: “Những con bò trong trang trại đã gặp vấn đề. Có con từng bị sẩy thai mà không ai biết tại sao. Dù tôi có muốn bán nhà, bán ruộng đi nơi khác để sinh sống, cũng không ai muốn mua”.

Tài nguyên thiên nhiên khan hiếm

Chú thích ảnh
Quán cà phê ở bãi biển Imrang. Ảnh: Reuters

Trong khi nhiều người dân Hàn Quốc ủng hộ mở rộng năng lượng hạt nhân, một bộ phận thiểu số đáng kể đang thúc giục chính phủ cắt giảm.

Công ty phân tích Gallup Korea đã thực hiện cuộc khảo sát trên 1.000 người Hàn Quốc từ ngày 28 đến ngày 30/6. Kết quả cho thấy 39% ủng hộ việc mở rộng năng lượng hạt nhân, 30% muốn duy trì mức hiện tại, trong khi 18% kêu gọi thu hẹp quy mô của các nhà máy này.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện hạt nhân Kori nhìn qua cửa sổ của một quán cà phê ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020, Hàn Quốc đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất hạt nhân, sau Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Nga.

Vì nước này có nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, các chuyên gia cho rằng năng lượng hạt nhân là yếu tố then chốt giúp đất nước phát triển và cung cấp năng lượng cho các ngành sản xuất hàng đầu thế giới. Hàn Quốc là nhà xuất khẩu chip, ô tô, bảng hiển thị và pin xe điện lớn trên toàn cầu.

Ông Chung Bum-jin, giáo sư kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Kyung Hee cho biết: “Hàn Quốc sản xuất nhiều sản phẩm cần thiết cho các quốc gia khác. Vì vậy, mức tiêu thụ năng lượng sẽ liên quan đến dân số. Nhưng chúng ta cũng không thể giảm mức tiêu thụ điện trong nước, nếu chúng ta giảm nó, chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn”.

Ông Chung cho biết năng lượng hạt nhân ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá năng lượng, vì giá urani chiếm dưới 10% tổng chi phí phát điện. Hơn nữa, nhiên liệu hạt nhân có thể dự trữ trong nhiều năm, không giống như dầu, khí đốt hoặc than đá.

Ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân?

Chú thích ảnh
Bà Hwang Bun-hee, 74 tuổi, chỉ ra Nhà máy điện hạt nhân Wolseong khi đi dạo trên bờ biển ở Gyeongju, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Bà Hwang cho rằng nguyên nhân của căn bệnh ung thư tuyến giáp mà bà mắc phải là do chất phóng xạ từ nhà máy gần đó. Trong suốt thập kỷ qua, bà đã nỗ lực đấu tranh vì đạo luật tài trợ tái định cư cho những người dân sinh sống ở đây. Bà Hwang và nhiều cư dân sống gần các lò phản ứng cũng tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài nhà máy và gặp gỡ các nhà lập pháp suốt nhiều năm nay.

Tuy nhiên, nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Korea Hydro & Nuclear Power cho biết: “Dù có thể phát hiện một lượng dấu vết vật chất trong cơ thể hoặc môi trường sống của cư dân gần đó do hoạt động của nhà máy điện hạt nhân, nhưng tuyên bố phát hiện chất phóng xạ có ảnh hưởng đến sức khỏe là không có cơ sở”.

Công ty này cho biết lượng triti tối đa trong mẫu nước tiểu của cư dân Wolsong trong giai đoạn năm 2018-2020 chỉ ở mức 0,00034 millisievert, thấp hơn nhiều so với giới hạn đối với con người và mức phơi nhiễm hàng năm thấp hơn nhiều so với bức xạ tự nhiên.

Ông Jeong Yong-hoon, Giáo sư kỹ thuật hạt nhân và lượng tử tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), cho biết lượng phóng xạ phát hiện tại khu vực Wolsong tương đương với việc ăn 6 quả chuối có chứa kali mỗi năm.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Hàn Quốc và Nhật Bản hội đàm quốc phòng cấp cao lần đầu tiên sau 6 năm
Hàn Quốc và Nhật Bản hội đàm quốc phòng cấp cao lần đầu tiên sau 6 năm

Ngày 7/9, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul và người đồng cấp Nhật Bản Masami Oka đã tiến hành hội đàm quốc phòng song phương lần đầu tiên trong vòng 6 năm nhằm thúc đẩy các nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước. Cuộc gặp diễn ra bên lề Đối thoại an ninh Seoul 2022 diễn ra từ 6-8/9. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN