Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bí mật tới Kiev, hội đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky

Ngày 25/4, các phương tiện truyền thông đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến đi bất ngờ tới thủ đô Kiev của Ukraine và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin: Ảnh: farsnews

Hãng thông tấn Tass dẫn nguồn tin từ kênh Ukraina-24 cho biết Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych, nói rằng “Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có mặt ở Kiev và hội đàm với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky”.

Ông Arestovych đồng thời nhắc lại lời kêu gọi viện trợ vũ khí của Ukraine. Ông nói: "Họ sẽ không ở đây nếu không sẵn sàng cung cấp vũ khí". Ngoài ra, quan chức này cho biết lực lượng phòng thủ tại cảng Mariupol bên bờ Biển Đen  đang trên bờ vực "sụp đổ".

Tại cuộc gặp, ông Blinken đã rà soát lại những hỗ trợ an ninh, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine, cũng như đánh giá về tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ngoài ra, hai bên cũng đã thảo luận về những nhu cầu cấp thiết nhất đối với Ukraine trong lúc này và các biện pháp mà Washington có thể hỗ trợ thêm cho Kiev.

Trong khi đó, Tass dẫn lời Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cho hay Kiev và Washington đã thảo luận vấn đề sử dụng các tài khoản đang bị phong tỏa của Nga vào việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Theo một bản ghi chép nội dung cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Thủ tướng Denis Shmygal, ông Shmygal nói: “Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận như thế với Mỹ và tất cả các đối tác. Đây là một vấn đề quốc tế quan trọng và nhiệm vụ cũng như mục tiêu quốc tế đối với mọi thế giới dân sự là tìm ra giải pháp tiếp cận các tài khoản đang bị phong tỏa này và phục hồi tài chính Ukraine”.

Thủ tướng Shmygal trả lời một cách dứt khoát khi được hỏi liệu Ukraine có cần tới 5 tỷ USD viện trợ tài chính mỗi tháng hay không, đồng thời xác nhận Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển nhất thế giới (G-20), Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí với khoản tiền đó.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ tuyên bố Washington không chắc liệu số tài sản của Nga đang bị đóng băng có thể sử dụng để hỗ trợ Ukraine hay không, bởi lẽ Mỹ cần cân nhắc các hậu quả.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine theo đề nghị hỗ trợ của các nhà lãnh đạo ở khu vực Donbass (miền Đông Ukraine), Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức quốc tế và hàng loạt nước phương Tây đã áp đặt các đòn trừng phạt cứng rắn chống lại Moskva, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không hề có ý định chiếm đóng.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin là những quan chức cấp cao nhất của Mỹ gặp Tổng thống Ukraine Zelensky kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/4 thông báo đã cho phép bổ sung viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Theo ông Biden, gói viện trợ mới sẽ có cả vũ khí hạng nặng, 144.000 viên đạn và máy bay do thám chiến thuật. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ bổ sung viện trợ trực tiếp 500 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp chính phủ nước này tiếp tục các hoạt động quan trọng như trả lương cho nhân viên chính phủ, trang trải quỹ hưu trí và các chương trình khác cần thiết để cuộc khủng hoảng nhân đạo không tồi tệ thêm.

Các nước đồng minh phương Tây cũng cam kết tăng hỗ trợ tài chính và quân sự đối với Ukraine, đồng thời áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Nga. Sau hội nghị trực tuyến ngày 19/4 giữa lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và tăng cường hỗ trợ an ninh và tài chính cho Ukraine.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Ukraine đã tiếp nhận các máy bay chiến đấu và các bộ phận của máy bay nhằm củng cố lực lượng không quân, song không nêu rõ số lượng máy bay hoặc nguồn gốc của chúng. Thông báo trên được đưa ra một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói hỗ trợ quân sự, trị giá 800 triệu USD cho Kiev.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev về quân sự và tài chính, bất chấp thực tế Đức đã cạn kiệt nguồn cung từ các kho dự trữ riêng và đang phải làm làm việc với ngành công nghiệp vũ khí. Theo nhà lãnh đạo Đức, hiện các đồng minh đang điều phối việc giao hàng cho Kiev.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thụy Sĩ chặn lô vũ khí chuyển tới Ukraine
Thụy Sĩ chặn lô vũ khí chuyển tới Ukraine

Theo hãng tin Reuters ngày 24/4, Thụy Sĩ, quốc gia trung lập, đã phản đối việc giao vũ khí của Đức cho Ukraine, bằng cách ngăn chặn việc tái xuất khẩu đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất, vốn được sử dụng trong xe chiến đấu bộ binh Marder mà Kiev đề nghị cung cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN