Ngoại trưởng G-8 ra tuyên bố về Xyri, Triều Tiên, Iran

Ngày 12/4, Hội nghị các ngoại trưởng 8 nước công nghiệp phát triển (G-8) gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canađa, Italia và Nga đã bế mạc tại thủ đô Oasinhtơn với tuyên bố về Xyri, CHDCND Triều Tiên và Iran.

Tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Xyri và lực lượng đối lập, coi đây là bước đi đầu tiên tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Tuyên bố hối thúc Chính phủ Xyri và tất cả các bên thực thi đầy đủ những cam kết trong kế hoạch hòa bình do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian và kêu gọi "ngay lập tức" phái quan sát viên tới giám sát việc ngừng bắn ở Xyri.



Ngoại trưởng nhóm các nước G8 chụp ảnh tại hội nghị. Ảnh: AFP-TTXVN



Với CHDCND Triều Tiên, tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng kế hoạch phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo, cho rằng việc làm trên không chỉ vi phạm các nghị quyết của LHQ mà còn đi ngược lại những cam kết ngày 29/2, theo đó quốc gia Đông Bắc Á này ngừng toàn bộ các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân, ngừng các vụ thử tên lửa và cho phép các thanh sát viên quốc tế trở lại. Các ngoại trưởng cũng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ mọi vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân hiện có một cách trọn vẹn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Về vấn đề Iran, tuyên bố hối thúc Têhêran tỏ thiện chí và bắt đầu "đối thoại nghiêm túc và có tính xây dựng" để giải tỏa các mối quan ngại quốc tế về chương trình hạt nhân đáng ngờ của nước này trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 vào cuối tuần này tại thành phố Ixtanbun (Istanbul) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tuyên bố, các ngoại trưởng cũng bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc về tình hình ngày càng xấu đi" tại Mali và nhấn mạnh ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Mali. Về cuộc đụng độ quân sự giữa Xuđăng và Nam Xuđăng, các ngoại trưởng G-8 kêu gọi hai chính phủ "kiềm chế tối đa" và bảo vệ dân thường.

Tuyên bố chung của G-8 cũng cho biết nhóm này sẽ xem xét việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Mianma sau một loạt những biện pháp cải cách và cuộc bầu cử bổ sung có ý nghĩa bước ngoặt ở quốc gia Đông Nam Á này.


TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN