‘Ngoại giao bí mật’ Mỹ - Cuba: Chuyện giờ mới kể

Việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba đã mở ra chương mới cho quan hệ giữa hai nước. Ở đó, người ta thấy được vai trò quan trọng của “ngoại giao bí mật”.

Ngay sau khi tái đắc cử Tổng thống năm 2012, ông Barack Obama đã triệu hồi các cố vấn cấp cao và mở hàng loạt các cuộc trao đổi. Tại đó, ông yêu cầu dàn phụ tá “suy nghĩ lớn” về nghị trình nhiệm kì 2. Một nội dung quan trọng được xác định là khả năng khởi động các quan hệ mới với các nước được xem là cựu thù, ví như Iran và Cuba. 2 năm sau, quan hệ giữa Washington với Tehran và Havana đã có được những tiến triển với những nỗ lực “ngoại giao bí mật” không biết mệt mỏi theo cùng một cách thức.

Ông Alan Gross và vợ tại cuộc họp báo ở Washington hôm 17/12 sau khi được trả tự do. Ảnh: AP


Các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran vẫn tiếp diễn và chắc còn phải mất nhiều thời gian mới tới được thành quả chắc thắng. Thế nhưng việc ông Obama tuyên bố Mỹ và Cuba sẽ bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm thù địch cho thấy: Một trong những chương cuối cùng của Chiến tranh Lạnh có thể đang khép lại.

Washington bắt đầu tiếp xúc thận trọng với Havana từ năm 2013, chỉ ít tháng sau khi ông Obama bắt đầu nhiệm kì 2 tại Nhà Trắng. Vấn đề then chốt được phía Mỹ kiên định là: Sẽ không thể có bước cải thiện trong quan hệ hai nước nếu như Cuba không trả tự do cho nhà thầu Alan Gross, một công dân người Mỹ.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm John Kerry lập tức hướng đến sự trợ giúp của Vatican, một trong rất ít các thể chế toàn cầu nhận được sự tôn trọng rộng rãi cả ở Mỹ và Cuba. Sự giúp đỡ của Giáo hội Thiên chúa Roma quả thực đã có vai trò quan trọng.

Sau bức màn tối, ông Obama bắt đầu đẩy cỗ máy “ngoại giao bí mật” chuyển động. Mùa xuân năm 2013, Tổng thống Mỹ cho phép hai cố vấn cấp cao tiếp xúc với các đại diện của chính quyền Cuba, bàn về khả năng xúc tiến các cuộc đàm phán mở đường. Đúng lúc này, Mỹ cũng mở các cuộc gặp bí mật với phía Iran. Nếu như Muscat (Oman) và Geneva (Thụy Sĩ) là địa điểm gặp gỡ cho đàm phán Iran thì Ottawa, Toronto (Canada) và Vatican lại là nơi chứng kiến những cuộc gặp mặt của đại diện Mỹ và Cuba.

Tháng 6/2013, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes cùng với ông Ricardo Zuniga, cố vấn các vấn đề Mỹ Latinh, đã bay tới Canada để có cuộc gặp đầu tiên trong tổng số 9 cuộc gặp bí mật với đối tác Cuba. Quan chức Mỹ không nêu tên cụ thể đại diện của Cuba, nhưng nói rằng đây là đại diện của chính quyền Havana và được Chủ tịch Raul Castrol trao quyền. Canada trong thời điểm này không tham dự trực tiếp vào tiến trình đàm phán, chỉ là bên xúc tác.

Nhưng đến đầu năm 2014 này, một nhà trung gian đầy quyền lực khác cũng đã tham gia vào tiến trình này: Giáo hoàng Francis.  Là người Mỹ Latinh đầu tiên nắm cương vị cao nhất tại Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng đã đề cập tới khả năng tái lập quan hệ Mỹ - Cuba với Tổng thống Obama khi ông tới thăm Tòa thánh hồi tháng 3. Đến mùa hè, Giáo hoàng đã gửi thư cho cả ông Obama và Chủ tịch Raul Castro, hối thúc hai bên chấm dứt tình trạng đóng băng quan hệ kéo dài nhiều thập kỉ.

Cùng lúc, Ngoại trưởng Kerry có 4 cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez, chủ yếu tập trung vào trường hợp của ông Gross. Đến mùa thu, quan chức Mỹ và Cuba đã hoàn tất thỏa thuận trả tự do cho Gross trong cuộc gặp ở Vatican, mở đường cho quan hệ mới Mỹ - Cuba.

Người dân theo dõi qua truyền hình Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Mỹ tại Havana ngày 17/12 (giờ địa phương).


Đàm phán vẫn tiếp tục, đỉnh cao là cuộc điện đàm 45 phút giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul hôm 16/12, được coi là đối thoại cấp cao lần đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận chống Cuba năm 1961. Chứng kiến cuộc điện đàm tại Nhà Trắng còn có sự hiện diện của ông Rhodes và nhiều cố vấn hàng đầu. Kịch bản này giống hệt với bước đột phá trong quan hệ Mỹ - Iran, khi mà ông Obama điện đàm với Tổng thống Hasan Rouhani để từ đó đưa đến thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt.

Cam kết tái lập quan hệ ngoại giao đầy đủ được hai bên khẳng định một ngày sau đó. Khi Tổng thống Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba thì ông Gross dõi theo sự kiện này qua truyền hình tại căn cứ không quân Andrew ở bang Maryland. Ngồi bên cạnh ông là Ngoại trưởng Kerry, người cũng vừa mới đáp chuyến bay về nước sau chặng công cán dài, với một điểm đến là Tòa thánh Vatican.


Hoài Thanh (Theo Washington Post)

Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba: Quyết định lịch sử
Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba: Quyết định lịch sử

Ngày 17/12/2014 đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN