Nghĩa tình son sắt Việt - Lào

Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào đang diễn ra sôi động trên cả hai nước và trong lòng tôi mãi lắng đọng câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Sayasone tại cuộc mít tinh trọng thể chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội Lào tổ chức tại Viêng Chăn hôm 18/7: “Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn khẳng định: Núi có thể cạn, sông có thể mòn, song tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam sẽ bền vững hơn núi hơn sông”. Trong nhiều sự kiện diễn ra sau đó, Thủ tướng Thongsin Thammavong, Chủ tịch Quốc hội Lào Pani Zathotou và nhiều nhà lãnh đạo khác của Lào cũng khẳng định: Dù tình hình thế giới có biến chuyển như thế nào thì nhân dân Lào vẫn nguyện một lòng cùng nhân dân Việt Nam bảo vệ quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam phát triển ngày một bền vững.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavath ấn nút khánh thành Trường PTTH Luangnamtha tháng 8/2012.


Năm 2012 kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của hai nước, ôn lại truyền thống hữu nghị đoàn kết đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihan gây dựng và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp.


Trong các cuộc giao lưu, chúng tôi thực sự cảm động khi nghe nhiều cán bộ cấp cao của Lào kể về thời niên thiếu của mình được nhân dân Việt Nam nuôi dưỡng, dạy dỗ. Thời đó, Việt Nam đang có chiến tranh, cả nước dốc lòng cho tiền tuyến; đời sống hậu phương gặp rất nhiều khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng Việt Nam vẫn dành tất cả những gì có thể cho học sinh Lào. Mỗi tháng, mỗi học sinh Lào vẫn được cấp 18 kg gạo. Biết người Lào hay ăn nếp, Nhà nước cấp thêm cho mỗi học sinh 3 kg nếp nữa là 21 kg. Anh Kikeo Khaykhamphithun, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào, tự nhận mình là “thế hệ 21 kg” để nhớ về công ơn của Việt Nam. Anh Buangean Saphouvong, Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào, rất vui khi kể về những ngày sống ở Việt Nam, dù có thiếu thốn nhưng rất tình cảm. Anh cảm thấy vinh dự vì trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào đều có bài “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” do anh sáng tác. Với anh, Bác là vừng sáng lung linh, ánh sao sáng ngời, soi đường cho bước chân ta vượt muôn ngàn chông gai. Tấm gương đạo đức của Bác mãi mãi không nhạt phai trong lòng người dân Lào. Còn nhạc sĩ Duangmixay Likaya, người nổi tiếng với bản giao hưởng Hồng Hà - Cửu Long, không còn xa lạ đối với những người yêu âm nhạc Việt Nam, nay tuổi đã cao nhưng vẫn còn giữ mãi những cảm xúc ngày đầu đặt chân đến Việt Nam vào mùa thu năm 1959 được nhân dân Việt Nam đón nhận với cả tình cảm trìu mến và được chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến ngày trưởng thành. Tự hào với đất nước Lào, lòng biết ơn nhân dân Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thôi thúc ông sáng tác bản giao hưởng Hồng Hà -

Cửu Long sống mãi với thời gian.


Có lẽ từ trong sâu thẳm tâm hồn các bạn Lào đều có hình ảnh Bác Hồ và đất nước Việt Nam nên các bạn nói về Việt Nam, về Bác Hồ rất tự nhiên và tình cảm. Nhớ lại hôm các doanh nghiệp Việt Nam chiêu đãi đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta, do đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu, sang thăm và dự các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Phó Thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath đã hát say sưa bài “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” bằng tiếng Việt rất điêu luyện. Buổi chiêu đãi trở thành một buổi giao lưu rất ấn tượng và kết thúc trong nhịp tiếng vỗ tay theo bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Trường PTTH Luangnamtha được xây dựng bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Việt Nam.


Trong những ngày này, ở thủ đô Viêng Chăn cũng như trên khắp đất nước Lào, tình hữu nghị Việt Nam - Lào được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Ngoài các chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, còn có hàng chục đoàn cấp bộ, ngành, các địa phương, Hội cựu chiến binh sang thăm và giao lưu với nước bạn, tạo nên một bầu không khí đầm ấm, tình cảm. Tinh thần của Năm Đoàn kết hữu nghị giữa hai nước không chỉ có trong những bài diễn văn, lời nói mà còn lan tỏa đến tận công trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo hai nước là tất cả những dự án được khởi công trong năm 2012 phải đảm bảo tiến độ. Có dịp trở lại với dự án xây Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khammouan, Trường Tài chính Bắc Lào, Trường PTTH Luang Prabang… chúng tôi thấy không khí làm việc rất khẩn trương.


Có mặt tại công trường xây dựng Trường PTTH Luang Prabang, quà tặng của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hài lòng với tiến độ công trình và giao trách nhiệm cho Ban quản lý dự án hoàn thành trong năm 2012 để chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào.
Trong các dự án phấn đấu hoàn thành trong năm 2012, dự án xây dựng trường PTTH Luangnamtha bằng vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Việt Nam được đánh giá cao. Bí thư, Tỉnh trưởng Luangnamtha Phimmason Luongkhamma đã cảm ơn Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng tỉnh Luangnamtha ngôi trường đẹp nhất vùng Bắc Lào.


Trong chuyến công tác đến Luangnamtha, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavath đã rất vui khi trò chuyện với chúng tôi về những trường học do Việt Nam xây dựng. Đó là món quà quý, bền vững, nguồn nhân lực lâu dài để giúp nước Lào phát triển.


Bên cạnh việc xây dựng trường học, việc học tiếng Việt cũng được các bạn Lào đặc biệt quan tâm. Ngoài Trường Đại học Quốc gia, Văn phòng Chủ tịch nước, Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào cũng mở nhiều lớp dạy tiếng Việt và đã thu được những kết quả khả quan. Phong trào học tiếng Việt đang được mở rộng ở nhiều nơi trên đất nước Chămpa.


Anh Saikhong Keoduongdi, đang theo học lớp tiếng Việt do Trung ương Đoàn tổ chức, cho biết: “Năm Đoàn kết hữu nghị Lào - Việt thực sự có ý nghĩa với lớp trẻ chúng tôi. Qua học tập và tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về mối tình hữu nghị đặc biệt Lào - Việt Nam. Tôi yêu đất nước Việt Nam, quyết tâm học tiếng Việt để giao lưu nâng cao trình độ, quyết tâm giữ gìn và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta”.


Có thể nói, dấu ấn của Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào đã in đậm trên khắp đất nước Lào. Từ cực bắc Phongsaly đến miền nam nước Lào, từ thủ đô Viêng Chăn cho đến căn cứ địa cách mạng Huaphanh, ở đâu cũng tràn ngập không khí của tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, đúng như mong đợi của lãnh đạo và nhân dân hai nước là, kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào phải thiết thực để làm sâu đậm thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.


Bài và ảnh: Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN