Các nghị sĩ Dân chủ Mỹ trong cuộc biểu tình ngồi. Ảnh: Reuters |
Các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Mỹ đã đưa ra minh chứng mới nhất là vụ thảm sát tại thành phố Orlando, bang Florida, hồi cuối tuần trước khiến 49 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương.
Cuộc biểu tình do Hạ nghị sỹ Dân chủ John Lewis khởi xướng, diễn ra ngay sau khi Hạ viện Mỹ kết thúc cuộc họp, trong đó chủ tọa là Hạ nghị sỹ Cộng hòa Ted Poe tuyên bố Hạ viện bắt đầu thời gian ngừng họp kéo dài tới ngày 5/7 tới.
Với khẩu hiệu "No bill, no break" (Không dự luật, không nghỉ!), các Hạ nghị sỹ Dân chủ yêu cầu Hạ viện tiếp tục hoạt động cho đến khi các nhà lãnh đạo Cộng hòa tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật kiểm soát súng đạn, trong đó có việc kiểm tra lý lịch người mua súng và hạn chế bán súng cho những đối tượng nằm trong danh sách theo dõi của Chính phủ.
Sau 5 giờ đồng hồ biểu tình, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện - Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Nancy Pelosi vẫn khẳng định họ sẽ không ra về chừng nào Quốc hội chưa nhất trí một cuộc bỏ phiếu về dự luật kiểm soát súng đạn.
Cuộc biểu tình của các Hạ nghị sỹ Dân chủ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và tham gia của các Thượng nghị sỹ Dân chủ ở phía bên kia Đồi Capitol, nâng tổng số nghị sỹ tham gia biểu tình lên tới con số hơn 100. Trong khi đó, bên ngoài khuôn viên đồi Capitol, gần 50 người thuộc tổ chức phi lợi nhuận "Everytown for Gun Safety", với chủ trương chống bạo lực súng đạn, cũng tổ chức tuần hành để bày tỏ ủng hộ các nghị sỹ Dân chủ.
Áp lực đã gia tăng lên Quốc hội Mỹ sau khi Thượng viện ngày 20/6 bác bỏ 4 biện pháp hạn chế súng đạn, trong đó có 2 biện pháp do đảng Dân chủ đề xuất và 2 biện pháp còn lại do đảng Cộng hòa đề xuất.
Đảng Cộng hòa và các đồng minh trong Hiệp hội súng trường Quốc gia (NRA) cho rằng các dự luật kiểm soát súng mà đảng Dân chủ đề xuất là hạn chế quá mức và chà đạp quyền được mang vũ khí. Trong khi đó, đảng Dân chủ phê phán kế hoạch của đảng Cộng hòa là "quá yếu ớt".
Sở hữu súng đạn là một vấn đề gây chia rẽ rõ rệt trong chính giới Mỹ. Kể từ năm 1994 đến nay Quốc hội Mỹ chưa thông qua một dự luật kiểm soát súng đạn có sức nặng nào. Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ thất vọng trước những nỗ lực chưa toàn vẹn của giới lập pháp nước này trong việc kiểm soát súng đạn, để lại những lỗ hổng pháp lý mà một kẻ khủng bố có thể lợi dụng để sở hữu vũ khí.
Theo thống kê, trung bình 89 người chết mỗi ngày và 32.514 người chết mỗi năm vì bạo lực súng đạn ở Mỹ. Năm 1990, khoảng 19% dân Mỹ phản đối việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Hiện nay, khoảng 55% người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng.