Ngày lễ tri ân công ơn thầy cô giáo ở Hàn Quốc

Tương tự như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày Nhà giáo của Hàn Quốc được tổ chức vào ngày 15/5 hàng năm với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh, tri ân công ơn các thầy giáo, cô giáo. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của đất nước xứ sở Kim Chi.

Chú thích ảnh
Bục giảng trong Ngày nhà giáo của Hàn Quốc

Tại xứ Kim Chi, tháng 5 được xem là tháng gia đình với Ngày trẻ em (5/5), Ngày Cha mẹ (8/5) và Ngày Nhà giáo (15/5). Người Hàn Quốc vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, việc tri ân thầy cô giáo đã tạo ra nét đẹp trong văn hóa truyền thống của xứ sở Kim Chi và nâng cao địa vị xã hội và khích lệ giáo viên gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Cùng giống như hình tượng “người đưa đò” ở Việt Nam, giáo viên của Hàn Quốc cũng được xem là “người dẫn đường” của các học trò trên con đường chinh phục tri thức.  

Ngày Nhà giáo ở Hàn Quốc khởi nguồn từ sự kiện nhân ngày Chữ thập đỏ thế giới 8/5/1958, một nhóm thanh niên Hàn Quốc đã tổ chức sự kiện tặng quà tri ân và giúp đỡ các giáo viên gặp khó khăn, đã về hưu hoặc đang bị bệnh. Thông qua sự kiện ý nghĩa này, người dân Hàn Quốc bắt đầu hình thành ý tưởng dành riêng một ngày để tri ân công ơn các nhà giáo.

Hàn Quốc hiếm khi lấy ngày sinh của một danh nhân làm ngày lễ quốc gia. Tuy nhiên, năm 1965, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 - ngày sinh của Vua Sejong làm ngày lễ quốc gia để tôn vinh và tri ân các nhà giáo. Sejong Đại Đế là vị vua thứ tư của triều đại Joseon, đã sáng tạo ra bảng chữ cái Hangul (chữ viết của Hàn Quốc hiện nay) để người dân có thể dễ dàng học chữ viết và biểu đạt mong muốn của mình. 

Vào thời điểm Xuân đi, Hè đến, khi tiết trời trở nên ấm áp cũng là lúc các sỹ tử nô nức chuẩn bị cho ngày lễ tri ân các nhà giáo. Học sinh Hàn Quốc không được tặng quà có giá trị vật chất cao cho giáo viên. Các món quà được quy định dưới 50.000 won tương đương 42 USD. Thay vì tặng những món quà đắt tiền, học sinh Hàn Quốc thường chuẩn bị những điều bất ngờ để đem lại niềm vui cho thầy cô trong ngày đặc biệt này.

Chú thích ảnh
Hoa cẩm chướng là món quà không thể thiếu cho mỗi giáo viên

Tuy nhiên, dù điều bất ngờ là gì thì thứ không thể thiếu trong lễ tri ân là hoa cẩm chướng, những tấm thiệp riêng của mỗi học sinh và một lá thư có lời chúc mừng của tất cả học sinh trong lớp. Theo văn hóa Hàn Quốc, hoa cẩm chướng là biểu hiện của tình yêu, sự tôn trọng và lòng biết ơn. Hoa cẩm chướng đỏ cũng chính là món quà không thể thiếu của con cái dành cho cha mẹ trong ngày lễ tri ân công ơn dưỡng dục của cha mẹ vào ngày 8/5 trước đó.   

Thông thường vào ngày Nhà giáo, tất cả học sinh đều đến lớp sớm từ 30 phút đến 60 phút. Khi thầy cô bước vào lớp, tất cả các học trò sẽ hô vang “chúc mừng ngày Nhà giáo” và hát tặng các thầy cô những bài hát tri ân. 

Chú thích ảnh
Giáo viên phát biểu cảm ơn tình cảm của các học sinh

Sau mỗi “chuyến đò”, dù không thể trực tiếp tổ chức “tiệc mừng” thầy cô giáo cũ, nhưng mỗi người Hàn Quốc thường có thói quen giữ liên lạc và điện thoại, hoặc nhắn tin chúc mừng các thầy cô giáo cũ mỗi dịp ngày đặc biệt này. 

Kim Ju-hee - Kim Jeong-hyeon (Sinh viên khoa Đông Nam Á, Đại học Sogang, Hàn Quốc)
Những trải nghiệm thú vị về ngày 'Cá tháng Tư' ở Hàn Quốc
Những trải nghiệm thú vị về ngày 'Cá tháng Tư' ở Hàn Quốc

Mặc dù châu Âu được công nhận là nơi khởi nguồn của ngày “Cá tháng Tư” (1/4) - một ngày của những trò đùa vô hại, Hàn Quốc cũng có nhiều cách thú vị trải nghiệm ngày này. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến ngày này ở Hàn Quốc bớt náo nhiệt hơn trong hai năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN