Ngày đen tối trên thị trường thế giới

Đúng như dự báo, các thị trường tài chính và hàng hóa thế giới phiên 8/8 đã rơi vào vòng xoáy do tác động từ việc hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor (S&P) đánh tụt hạng tín nhiệm trái phiếu chính phủ Mỹ và lo ngại nguy cơ khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu, mặc dù giới lãnh đạo chính trị và tài chính thế giới ra sức trấn an dư luận.

Thị trường biến động mạnh

Quyết định lịch sử của S&P hạ mức tín nhiệm trái phiếu chính phủ Mỹ từ "AAA" xuống "AA+" cùng với lo ngại nguy cơ khủng hoảng nợ công châu Âu lan rộng đã khiến các thị trường chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ, giá dầu lao dốc và giá vàng tăng kỷ lục trong phiên 8/8.

Nhà đầu tư thất vọng trước sắc đỏ tràn ngập trên sàn chứng khoán Philíppin phiên 8/8.Ảnh: AFP/ TTXVN


Làn sóng tìm kiếm nơi đầu tư an toàn sau khi Mỹ bị đánh tụt hạng tín nhiệm cộng với nỗi lo nợ công châu Âu và nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái, thậm chí là khả năng Mỹ tung ra chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) đã khiến giá vàng phiên 8/8 tăng “chóng mặt” và đạt mức cao nhất trong lịch sử. Trên thị trường châu Á, giá vàng giao ngay đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce và đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử là 1.714 USD/ounce (42,85 triệu/lượng); giá vàng giao tháng 12 cũng lập đỉnh mới ở mức 1.718 USD/ounce. Lúc 22 giờ 30 tại thị trường New York (Mỹ), giá vàng giao ngay ở mức 1.708,8 USD/ounce, tăng 57 USD so với phiên trước. Giá bạc cùng thời điểm ở New York cũng tăng 1,039 USD (2,72%), lên 39,25 USD/ounce.

Nhà phân tích Dominic Schinider thuộc UBS Wealth Management nhận định, giá vàng có khả năng tiếp tục tăng lên mức 1.800 USD/ounce, thậm chí là 2.000 USD/ounce trong thời gian tới. Goldman Sachs Inc cũng đã nâng mức dự báo giá vàng trong 12 tháng tới từ 1.730 USD/ounce lên 1.860 USD/ounce.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc. Lúc 23 giờ ngày 8/8 (giờ VN), tại thị trường Mỹ, chỉ số Down Jones giảm 2,4%; Nasdaq giảm 3,19% và S&P 500 giảm 3,03%. Tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,39%; chỉ số DAX của Đức giảm 5,02%; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 4,68%. Trước đó, tại thị trường châu Á, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/8, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3,82%; chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,18%; chỉ số ASX200 của Ôxtrâylia giảm 2,91%; chỉ số Hang Seng của Hồng Công giảm 2,26%; chỉ số Straits Times của Xinhgapo giảm 3,7% và chỉ số Thượng Hải của Trung Quốc giảm 3,78%.

Bảng điện tử biểu thị giá vàng tăng mạnh trong phiên 8/8 tại sàn giao dịch ở Pari (Pháp). Ảnh: AFP/TTXVN


Theo chuyên gia phân tích thị trường Ben Potter của IG Markets, thị trường chứng khoán có thể hồi phục sau đợt suy giảm quá mạnh này. Nhà phân tích này cho rằng, chắc chắn sẽ có cơ hội để các nhà đầu tư mua gom dần cổ phiếu ở các mức giá thấp hiện nay khi họ bắt đầu nhận ra rằng thị trường đã phản ứng thái quá với những thông tin xấu. Ông nhận định: "Không một ai thực sự hiểu được đầy đủ tất cả những gì liên quan đến việc hạ bậc tín dụng lần này của Mỹ - nguyên nhân dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi thị trường hiện nay. Đây là một trường hợp kinh điển về việc cứ bán tống bán tháo trước đã rồi sau đó mới tìm hiểu tại sao lại thế".

Cùng xu hướng với chứng khoán, giá dầu thế giới cũng sụt giảm do việc Mỹ bị đánh tụt hạng tín nhiệm đã đánh trúng lòng tin của thị trường, dẫn đến nhận định rằng nhu cầu “vàng đen” của quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới sẽ sụt giảm. Lúc 23 giờ (giờ VN), tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 giảm 2,93 USD, xuống 83,95 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 3,42 USD (3,13%), xuống 105,95 USD/thùng. Cùng lúc, tại thị trường giao dịch điện tử Xinhgapo, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 4,15 USD, xuống còn 101,58 USD/thùng.

Nỗ lực cứu nguy

Lo ngại về một cuộc khủng hoảng toàn cầu, mà theo một số nhà phân tích có thể còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008-2009, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ngày 8/8 đã có các cuộc họp khẩn cấp.

Kết thúc cuộc họp khẩn cấp qua điện thoại, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G7 đã cam kết "tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng". Hãng tin Pháp AFP dẫn thông báo của nhóm này cho biết, G7 sẽ phối hợp hành động khi cần thiết để đảm bảo tính thanh khoản, ổn định thị trường tài chính, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sẽ giải quyết những căng thẳng phát sinh từ vấn đề thâm hụt tài khóa, nợ công và tăng trưởng.

Sau cuộc họp ngày 8/8, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20, cũng cam kết sẽ "tiến hành tất cả các sáng kiến cần thiết, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên tinh thần hợp tác và tin cậy". Các nhà lãnh đạo G20 cũng "sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ trong những tuần tới và hợp tác khi cần thiết, sẵn sàng hành động để ổn định tài chính, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường".

Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố đầu tư vào trái phiếu Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng sau vụ Mỹ bị đánh tụt hạng tín nhiệm. Quốc gia đang nắm giữ lượng trái phiếu của Mỹ lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu của chính phủ Mỹ.

Hãng tin Nhật Bản Jiji Press dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda nhấn mạnh, lòng tin đối với trái phiếu chính phủ Mỹ "không lay chuyển", bất chấp những lo ngại về xáo trộn thị trường sau khi S&P hạ chỉ số tín dụng của Mỹ. Ông Noda cho rằng, trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành là một "sản phẩm tài chính có sức hấp dẫn".

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/8 tuyên bố sẽ tích cực triển khai kế hoạch mua trái phiếu của các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong cuộc họp ban lãnh đạo đêm 7/8, ECB cũng đã thảo luận về khả năng thanh toán tiền mặt trong trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng băng thị trường tiền tệ.

Lục đục trong nội bộ Mỹ

Trong tình hình “nước sôi nửa bỏng”, các chính trị gia Mỹ đang đổ lỗi và chỉ trích lẫn nhau về việc Mỹ bị đánh tụt hạng tín nhiệm.

Hai nghị sỹ Cộng hòa là Rand Paul và Michelle Bachmann ngày 8/8 (giờ VN) đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, từ chức để chịu trách nhiệm cho việc Mỹ bị hạ hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết ông Geithner sẽ tiếp tục công việc hiện nay cho dù kinh tế có xáo trộn và trước sức ép của phe Cộng hòa.

Thượng nghị sỹ Dân chủ John Kerry chỉ trích phong trào "Tea Party" trong đảng Cộng hòa đã dùng biện pháp “miệng hố chiến tranh” để thông qua thỏa thuận nâng trần nợ. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain lại chỉ trích Tổng thống Barack Obama không đưa ra được kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề nợ công của Mỹ.

Trước những bế tắc chính trị này, Giám đốc điều hành hãng S&P, John Chambers, trong bài trả lời phỏng vấn hãng truyền hình ABC cảnh báo: "Nếu tình hình tài khóa của Mỹ trở lên xấu hơn hoặc nếu bế tắc chính trị tiếp diễn, hãng này có thể sẽ tiếp tục đánh tụt hạng tín nhiệm của Mỹ".

Quang Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN