Ngành hàng không Inđônêxia đối mặt thách thức quá tải

Hiệp hội các hãng hàng không quốc gia Inđônêxia (INACA) cho biết sự tăng trưởng chóng mặt của ngành hàng không cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng chậm chạp đã khiến nhiều sân bay ở nước này lâm vào tình trạng quá tải quá mức.

Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta. Ảnh: Internet


Theo INACA, năm 2010, sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô phải tiếp đón tới hơn 40 triệu lượt hành khách, trong khi công suất thiết kế chỉ là 22 triệu lượt hành khách/năm; sân bay Polonia của tỉnh Medan có khả năng tiếp đón 900.000 lượt hành khách/năm nhưng đã phải phục vụ tới 4,9 triệu lượt người; sân bay Ngurah Rai ở đảo du lịch Bali nổi tiếng đón tiếp tới 9,5 triệu lượt hành khách, trong khi quy mô của cảng hàng không này chỉ đủ cho 1,5 triệu người/năm, và sân bay Juanda ở Surabaya cũng trong tình trạng tương tự với khả năng xử lý 6 triệu lượt hành khách/năm, nhưng đã phải phục vụ tới 11 triệu lượt người.

Cũng theo INACA, năm 2010, công ty PT Angkasa Pura điều hành 13 sân bay trong cả nước đã tiếp đón tổng cộng 49 triệu lượt hành khách, trong khi chỉ đủ khả năng phục vụ 30 triệu lượt người/năm, và công ty PT Angkasa Pura II chịu trách nhiệm quản lý 12 sân bay (trong đó sân bay Soekarno-Hatta) phải tiếp đón 62 triệu lượt hành khách, vượt quá khả năng phục kết hợp 28 triệu lượt người/năm.

Ông Trikora Harjo, một quan chức cấp cao trong ngành hàng không Inđônêxia cho biết tình trạng quá tải quá mức của các sân bay đã ảnh hưởng đến hoạt động của các chuyến bay, khiến hành khách luôn phải chịu cảnh chậm giờ đến và đi., và đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm soát giao thông đường không. Chẳng hạn, hệ thống kiểm soát không lưu tại sân bay tại Juanda chỉ có thể theo dõi 21 máy bay mỗi giờ, nhưng tại bất cứ giờ nào cũng có tới 40-45 máy bay hạ cánh và cất cánh. Tần suất hoạt động của các chuyến bay cao hơn mức thiết kế còn làm tăng chi phí bảo dưỡng và nâng cấp đường băng. Ngoài ra, góp phần khiến giao thông đường không trở nên tồi tệ là việc các nhà điều hành sân bay ở Inđônêxia không có quyền hành động chống lại các hãng hàng không có chuyến bay bị trì hoãn hoặc huỷ bỏ. Trong khi, chẳng hạn như tại Xingapo, các nhà khai thác chuyến bay tại sân bay Changi Singapore có quyền thay đổi lịch trình các chuyến bay bị trì hoãn và phạt các hãng hàng không không thực hiện đúng lịch trình.

Chính vì vậy chính phủ, các ngành liên quan và dư luận Inđônêxia đặc biệt ủng hộ kế hoạch của công ty PT Angkasa Pura II nâng cấp và mở rộng sân bay Soekarno-Hatta để có thể tiếp nhận 62 triệu lượt hành khách/năm. 

Việt Tú
P/v TTXVN tại Inđônêxia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN