Nga xem nhẹ việc bị loại khỏi 'sân chơi' G-8

Sau khi chính thức bị loại khỏi "sân chơi" G-8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong tư cách là Trưởng phái đoàn Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân diễn ra tại La Haye (Hà Lan), đã tỏ ra xem nhẹ động thái cô lập Nga này của phương Tây.

Tờ Washington Post ngày 25/3 viết: việc làm trên của phương Tây không khiến Nga ngạc nhiên hay lo sợ. Ngược lại, việc các quốc gia phương Tây nhóm họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân và nhất trí loại Nga ra khỏi G-8 đã gây ra phản ứng coi nhẹ tổ chức này từ phía Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: AP


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng tuyên bố rằng G-8 là một "Câu lạc bộ không chính thức. Ở đó không cấp thẻ hội viên, và không ai có quyền đuổi ai ra khỏi nhóm này". Ông Lavrov đồng thời khẳng định: "Nếu các đối tác phương Tây của chúng tôi cho rằng tổ chức này đã lỗi thời, thì có nghĩa nó là như vậy. Thực chất, chúng tôi không bấu víu vào tổ chức này và cũng không thấy tai họa lớn nào nếu nó không nhóm họp nữa".

Tờ Die Welt của Đức cũng ghi nhận thái độ của Nga hầu như không quan tâm tới việc vừa bị G-8 khai trừ. Điều này thể hiện khá rõ trong cuộc điện đàm mà bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chủ động gọi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngay trước khi G-7 nhóm họp tối 24/3, để bày tỏ lo ngại sự hiện diện của quân đội Nga dọc theo biên giới với Ukraine.

Tờ The Guardian của Anh thì cho rằng thực tế G-7 đã tổ chức cuộc họp ở La Haye mà không có Nga, lần đầu tiên kể từ năm 1998. 16 năm G-7 gắn bó, hợp tác với Nga nay đã bị đình chỉ, chỉ với mục đích cô lập Nga do nước này tiếp nhận bán đảo Crimea (Crưm).

Tờ báo nhận định bước đi này thực chất là sự cố tình nâng cao cấp độ cô lập Nga. Theo Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes, cuộc khủng hoảng hiện nay tuy không đưa thế giới quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, song lần này Nga hầu như vẫn không có đồng minh.

Tờ Washington Post viết Tổng thống Barack Obama đang tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo nước ngoài khác, nhằm khiến cho Tổng thống Nga Vladimir Putin phải "mất mặt" trước việc sáp nhập Crimea vào Nga. Trước đó, ông Obama từng không chỉ một lần tuyên bố rằng "Nga đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế" và kêu gọi cực lực lên án hành động của Nga.

Trong hoạt động tiếp theo của G-7, nhóm này dự định sẽ kiên quyết ngăn chặn các hành động tiếp theo của ông Putin; đồng thời cam kết sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga, nếu Moskva tiếp tục có những bước đi khác ở miền đông và miền nam Ukraine.

Trong khi đó, bất chấp các tuyên bố của phương Tây hay G-7, ông Lavrov trong khuôn khổ Hội nghị an ninh hạt nhân toàn cầu luôn kiên định lập trường bán đảo và người dân Crimea "có quyền tự quyết" về tương lai của họ. Việc Nga sáp nhập khu vực này hoàn toàn không có "ý đồ xấu" mà chỉ nhằm "bảo vệ những thế hệ người Nga đã sống tại đó từ hàng trăm năm nay", theo lời ông Lavrov.


Quế Anh

Nga: G-7 từ chối hợp tác sẽ 'phản tác dụng'
Nga: G-7 từ chối hợp tác sẽ 'phản tác dụng'

Việc G-7 từ chối hợp tác với Nga sẽ là "phản tác dụng". Đây là tuyên bố do người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, đưa ra ngày 25/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN