Nga và NATO bất đồng về vấn đề Libi

Nga và NATO đã không thu hẹp được những bất đồng về vấn đề Libi trong cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO, kết thúc ngày 5/7 (giờ Việt Nam) tại thành phố Sochi của Nga.

Toàn cảnh cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ở Sochi. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong cuộc họp với Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc NATO bóp méo nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ).

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Lavrov cho biết: "Cho đến nay, các bên vẫn không thống nhất về cách thực hiện nghị quyết của LHQ. Chúng tôi muốn nghị quyết này được thực hiện theo đúng nghĩa đen, chứ không phải theo nghĩa mở rộng".

Từ khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết về thiết lập vùng cấm bay ở Libi, Nga đã nhiều lần lên tiếng phản đối chiến dịch không kích của NATO nhằm vào chính phủ nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi. Tuần trước, Nga cũng chỉ trích mạnh mẽ việc Pháp cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Libi.

Trong khi đó, ông Rasmussen vẫn khăng khăng cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy không vi phạm nghị quyết của LHQ. Phát biểu với phóng viên, ông Rasmussen cho rằng hành động của Pháp là một phần trong chiến dịch bảo vệ dân thường.

Theo đánh giá của hãng tin AFP (Pháp), cuộc họp Hội đồng Nga - NATO là nơi hai bên thể hiện bất đồng hơn là nhất trí một giải pháp cho cuộc xung đột ở Libi.

Liên quan đến tình hình Libi, nhật báo Thương gia (Nga) ngày 5/7 dẫn lời một quan chức cấp cao Nga cho biết, ông Kadhafi sẵn sàng từ bỏ quyền lực để được đảm bảo về mặt an ninh. Quan chức này cho biết thêm, nếu ông Kadhafi từ chức, một số quốc gia, trong đó có Pháp, sẵn sàng đứng ra đảm bảo an ninh cho ông Kadhafi. Pháp có thể sẽ chấm dứt phong tỏa tài khoản của các thành viên gia đình ông Kadhafi và cam kết giúp ông Kadhafi không bị xét xử tại Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Ngoài ra, ông Kadhafi còn yêu cầu Saif al-Islam - con trai ông có thể tranh cử tổng thống - điều kiện mà phe đối lập Libi không thể không chấp nhận.

Cùng ngày, AFP dẫn các nguồn tin của NATO và Liên minh châu Âu (EU) cho biết, phe đối lập Libi sẽ có các cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Rasmussen và Chủ tịch EU Herman Van Rompuy tại Brúcxen (Bỉ) vào tuần tới.

Theo một quan chức NATO, các đại sứ của 28 nước thành viên NATO đã nhất trí để ông Rasmussen mời đại diện của phe đối lập Libi tham dự cuộc gặp đầu tiên tại trụ sở NATO vào ngày 13/7.


Một nhà ngoại giao EU cũng cho biết, một thành viên của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) ở Libi sẽ gặp ông Van Rompuy và có thể gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso vào giữa tuần tới.

Một số thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp, đã thừa nhận NTC là đại diện hợp pháp cho nhân dân Libi.

Nhận định về giải pháp cho vấn đề Libi, ông Lakhdar Brahimi, cựu đặc phái viên LHQ về Irắc và Ápganixtan cho rằng, đó phải là một giải pháp chính trị có sự tham gia của LHQ, Liên đoàn Arập (AL) và Liên minh châu Phi (AU).

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc ngày 5/7 đã kêu gọi các bên ở Libi bắt đầu tiến hành đối thoại thực sự và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.

Thùy Dương


Dấu hiệu nhượng bộ của phe nổi dậy Libi
Dấu hiệu nhượng bộ của phe nổi dậy Libi

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, lãnh đạo phe nổi dậy Libi Mustafa Abdel Jalil cho biết, nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi có thể ở lại Libi nếu ông từ bỏ mọi quyền lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN