Nga thay đổi chiến thuật ở Bakhmut, Ukraine bác cáo buộc điều chỉnh kế hoạch phản công

Các lực lượng Nga đã tăng cường tấn công vào các thành phố tiền tuyến ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, giới chức Ukraine bác bỏ thông tin cho rằng Kiev đang điều chỉnh kế hoạch phản công sau vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine được huấn luyện bắn súng máy từ xe bọc thép chở quân (APC) M113 trong buổi huấn luyện ở vùng Donbass, Ukraine, ngày 8/4. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), Kiev cho biết Nga đang tấn công các vị trí của Ukraine xung quanh thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, phía Đông Ukraine, cùng các thành phố và thị trấn khác bằng các cuộc không kích và pháo kích.

Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh lực lượng mặt đất của Ukraine, nhận định về tình hình ở Bakhmut: “Đối phương đã chuyển sang chiến thuật ‘thiêu đốt’ từng được sử dụng trong cuộc xung đột ở Syria. Họ đang phá huỷ các toà nhà và nhiều khu vực bằng các cuộc không kích và hỏa lực pháo”.

Sau nhiều tháng giao tranh, Bakhmut – thành phố nhỏ ở miền Đông Ukraine giờ chỉ còn là đống đổ nát  - vẫn là chiến trường lớn nhất của cuộc xung đột. 

Ông Denis Pushilin, Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng do Nga bổ nhiệm, cho biết các lực lượng Nga đã kiểm soát 75% thành phố. Ông nói trên kênh truyền hình quốc gia Nga Rossiya-24 hôm 10/4: “Tôi có thể nói chắc chắn rằng lực lượng Nga đã kiểm soát hơn 75% thành phố”, nhưng cảnh báo còn quá sớm để nói về việc Bakhmut thất thủ hoàn toàn

Theo nguồn tin, Quân đội Nga cũng đang nhắm mục tiêu vào thành phố Avdiivka.

Ông Pavlo Kyrylenko, Thống đốc Donetsk do Ukraine bổ nhiệm, cho hay: “Người Nga đã biến Avdiivka thành đống đổ nát hoàn toàn”. Ông mô tả cuộc không kích ngày 10/4 đã phá huỷ các toà nhà cao tầng. “Tổng cộng, khoảng 1.800 dân vẫn sống ở Avdiivka. Mạng sống của họ đang bị đe doạ từng ngày”, ông nói thêm.

Còn ở Chasiv Yar, thị trấn lớn đầu tiên ở phía Tây Bakhmut, rất ít tòa nhà còn nguyên vẹn và người dân địa phương xếp hàng để nhận lương thực và các đồ viện trợ khác.

“Trước đây tình hình còn đáng sợ hơn, nhưng giờ chúng tôi đã quen với tiếng bom đạn”, anh Maksym, 50 tuổi, tình nguyện viên nhân đạo tại Bakhmut, chia sẻ.

Chú thích ảnh
Xe quân sự bọc thép đi Chasiv Yar trong trận giao tranh ác liệt ở tiền tuyến Bakhmut và Chasiv Yar, Ukraine, ngày 10/4. Ảnh: Reuters

Khi cuộc xung đột vẫn diễn ra căng thẳng, kênh CNN của Mỹ đưa tin rằng Ukraine đã buộc phải sửa đổi một số kế hoạch quân sự trước cuộc phản công được mong đợi từ lâu vì vụ rò rỉ hàng chục tài liệu mật. 

Khi được hỏi về bản báo cáo của CNN, trợ lý Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết các kế hoạch chiến lược của Kiev không thay đổi nhưng các chiến thuật cụ thể luôn có thể thay đổi.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov, nói với Reuters: “Chúng tôi không quan tâm đến ý kiến của những người không liên quan gì đến chuyện này. Phạm vi những người sở hữu thông tin bị hạn chế đáng kể”.

Ông Danilov cũng cảnh báo rằng không nên mong đợi bất kỳ “ngày thần kỳ” nào cho một cuộc phản công, cũng không nên suy đoán về thời gian bắt đầu chiến dịch. 

Viết trên Twitter, quan chức an ninh tuyên bố các hoạt động phản công của Ukraine diễn ra hàng ngày và lực lượng của Kiev đang hành động “bình tĩnh, có hệ thống, nhất quán”. Theo ông, bất kỳ sự thổi phồng thông tin nào liên quan đến ngày mở màn chiến dịch trên bộ quy mô lớn đều không có lợi cho các kế hoạch của Lực lượng Phòng vệ Ukraine.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ đang cố gắng truy tìm nguồn tiết lộ vụ rò rỉ và giải quyết hậu quả ngoại giao. Các tài liệu mật bị rò rỉ nêu chi tiết nhiều nội dung - bao gồm thông tin về cuộc xung đột Ukraine, trong đó cho thấy Washington đã cung cấp cho Kiev một lượng lớn vũ khí.

Một số chuyên gia an ninh quốc gia và các quan chức Mỹ cho biết họ nghi ngờ người tiết lộ thông tin có thể là người Mỹ, nhưng không loại trừ khả năng những đối tượng thân Nga đứng sau vụ việc.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về vụ rò rỉ, song ông nói rằng: “Thực tế đang có xu hướng đổ lỗi mọi việc cho Nga. Nói chung, đó là một căn bệnh mãn tính”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters, RT)
Nga nêu lý do Pháp không thể làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Ukraine
Nga nêu lý do Pháp không thể làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Ukraine

Điện Kremlin cho rằng Pháp không thể đảm nhận vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN