Nga siết chặt luật nghĩa vụ quân sự, chấn chỉnh tình trạng né tránh nhập ngũ

Quốc hội Nga đã thông qua một dự luật nhằm chấn chỉnh tình trạng né tránh lệnh gọi nhập ngũ, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin (giữa) thăm binh sĩ ở Ryazan, phía nam Moskva vào 20/10/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga 

Hãng tin AP cho biết, Thượng viện Nga (Hội đồng Liên bang) ngày 12/4 đã thông qua một dự luật cho phép các nhà chức trách ban hành lệnh triệu tập điện tử đối với những người nhập ngũ và quân dự bị.

Cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Liên bang Nga là bước cuối cùng cần thiết trước khi dự luật được chuyển tới Tổng thống Vladimir Putin, người dự kiến ​​sẽ nhanh chóng ký thành luật. Trước đó, các nhà lập pháp ở Hạ viện Nga, Duma Quốc gia, đã thông qua dự luật này trong ngày 11/4.

Đạo luật được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga đang chuẩn bị đối phó với một cuộc phản công dự kiến ​​của Ukraine, mà Kiev và các đồng minh phương Tây cho rằng có thể bắt đầu trong vòng vài tuần tới.

Các quy định về nghĩa vụ quân sự hiện hành của Nga yêu cầu phải trực tiếp gửi thông báo bằng giấy cho những người có nghĩa vụ nhập ngũ và quân nhân dự bị được gọi nhập ngũ. Trước đây, nhiều người Nga đã tránh quân dịch bằng cách ở tránh xa địa chỉ trong hồ sơ của họ và lấy lý do là không nhận được thông báo. Nhưng dự luật mới sẽ đóng lỗ hổng đó, khiến người dân trong độ tuổi gần như không thể trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong tương lai.

Theo dự luật mới, các thông báo do các văn phòng nghĩa vụ quân sự địa phương cấp sẽ tiếp tục được gửi qua đường bưu điện nhưng chúng sẽ được coi là hợp lệ kể từ thời điểm chúng được đưa lên cổng thông tin điện tử của tiểu bang. Những người nhận được thông báo, cả lệnh triệu tập điện tử, mà không trình diện sẽ bị cấm rời khỏi Nga, và chịu một loạt các biện pháp trừng phạt khác, như bị đình chỉ bằng lái xe, cấm bán nhà cũng như các tài sản khác.

Tờ Washington Post cho biết, đợt động viên quân một phần vào năm ngoái của Nga đã gặp một số khó khăn khi các sĩ quan quân đội buộc phải đưa ra các thông báo bằng giấy tới người được gọi nhập ngũ. Giờ đây theo các quy định mới, giấy triệu tập điện tử sẽ được thông báo cho những người đang ở độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Nga, cụ thể là nam giới từ 18 đến 27 tuổi, nhưng cũng có khả năng được gửi tới các thành viên của lực lượng dự bị quân sự Nga và những người khác.

Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/4 giải thích với các phóng viên rằng hệ thống nhập ngũ của quân đội Nga cần được sắp xếp hợp lý và dự luật về lệnh triệu tập quân sự điện tử nhằm hỗ trợ nỗ lực này.

"Chúng ta cần hợp lý hóa hệ thống lưu giữ hồ sơ và triệu tập những người nên phục vụ trong quân đội. Theo Hiến pháp, quân đội của chúng ta gọi những người nhập ngũ để phục vụ. Đó là nghĩa vụ dân sự được quy định trong hiến pháp", người phát ngôn nói.

Ông cho biết các chuyên gia đã tham gia soạn thảo luật. "Cách nó được thông qua tuân thủ thủ tục quy định cho Duma Quốc gia. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về bất kỳ sắc thái nào liên quan đến thủ tục, tốt nhất là chuyển chúng đến Duma Quốc gia", ông Peskov nói.

Ông Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia, cho biết hệ thống mới sẽ giảm đến mức tối thiểu bất kỳ lỗi tiềm ẩn nào trong các chiến dịch nhập ngũ cũng như giảm yêu cầu mọi người phải trực tiếp xuất hiện tại các văn phòng nhập ngũ vì họ sẽ có tùy chọn truy cập hệ thống từ xa.

Ông Peskov trước đó lưu ý với các phóng viên rằng đạo luật này chỉ nhằm hợp lý hóa hệ thống hồ sơ quân sự và không đồng nghĩa với việc một đợt động viên quân thứ hai đang được tiến hành. 

Ông Kartopolov cũng đã nêu rõ một loạt hình phạt nghiêm khắc đối với những người không chấp hành lệnh triệu tập nhập ngũ điện tử, bao gồm cả lệnh cấm lái xe, cấm đăng ký công ty, làm việc với tư cách cá nhân, vay tín dụng hoặc cho vay, bán căn hộ, mua tài sản hoặc được đảm bảo phúc lợi xã hội. Những hình phạt này có thể áp dụng cho cả hàng ngàn nam giới Nga ở độ tuổi nhập ngũ bắt buộc đã ra nước ngoài.

Lệnh triệu tập điện tử sẽ được phát hành thông qua cổng dịch vụ của chính phủ, Gosuslugi, vốn được sử dụng cho tất cả các hình thức thanh toán và dịch vụ của nhà nước bao gồm thuế, hộ chiếu, dịch vụ nhà ở, phúc lợi xã hội, tài liệu vận chuyển, hẹn khám bệnh, bảo hiểm lao động và nhiều việc khác.

Theo luật của Nga, dữ liệu cá nhân của lính nghĩa vụ bao gồm giấy tờ tùy thân, số thuế cá nhân, thông tin giấy phép lái xe, số điện thoại và các thông tin khác sẽ được Gosuslugi chuyển đến văn phòng tuyển quân. Các trường đại học, chủ doanh nghiệp, bệnh viện và phòng khám, các bộ của chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, ủy ban bầu cử và cơ quan thuế cũng được yêu cầu chuyển dữ liệu cho quân đội.

Các quy tắc mới dường như cho thấy nhu cầu của Moskva về việc bổ sung thêm quân nhân, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài hơn một năm và Kiev đang chuẩn bị cho một cuộc phản công.

Vào tháng 12/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã công bố kế hoạch tăng quy mô quân đội Nga thêm 30% lên 1,5 triệu quân nhân, trong đó có 695.000 quân nhân hợp đồng tình nguyện. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã khẳng định luật mới là "hoàn toàn cần thiết" nhưng không liên quan đến việc huy động thêm quân nhân Nga tham chiến.

Mặc dù vậy, sắc lệnh huy động quân bằng văn bản của Tổng thống Putin vào năm ngoái hiện chưa bị hủy bỏ và vẫn có hiệu lực về mặt pháp lý.

Hạ nghị sĩ Nga Andrei Lugovoi, một trong những người tham gia soạn thảo dự luật, cho biết trên Telegram rằng các vấn đề trong hoạt động huy động quân năm ngoái đã chứng minh sự cần thiết của một cách hiệu quả hơn để kêu gọi đàn ông Nga nhập ngũ.

Ông nói: “Có rất nhiều khiếu nại về các văn phòng đăng ký quân sự và nhập ngũ, những người bị huy động sai và những người có thể trốn tránh dưới cái cớ không nhận được lệnh triệu tập. Dự luật cho phép quân đội 'sắp xếp mọi thứ theo trật tự' và 'loại bỏ mọi hành động không nhất quán hoặc sai lầm trong tương lai'".

Quy định cấm mua bán bất động sản khiến những người trốn nghĩa vụ quân sự khó có thể trốn khỏi đất nước mà không bị mất tài sản. Điều đó cũng có nghĩa là những người trốn khỏi Nga vào năm ngoái để tránh chiến sự ở Ukraine sẽ không thể rút tiền từ tài sản ở Nga của họ.

Tờ Washington Post cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine đang tác động đến nền kinh tế Nga, gây giảm sụt lực lượng lao động trẻ của quốc gia này. Theo một nghiên cứu của cơ quan thống kê nhà nước Nga, tình trạng người di cư khỏi Nga và lệnh động viên quân năm ngoái đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về số lượng lao động Nga dưới 35 tuổi, giảm 1,3 triệu lao động từ mức 22,83 triệu, mà chủ yếu là nam giới. Sự sụt giảm rõ ràng nhất là ở nhóm người lao động từ 25 đến 29 tuổi, giảm 724.000 người xuống còn 7,2 triệu người lao động.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo TASS, AP)
Bộ Quốc phòng Serbia bác 'tin mật' chuyển giao vũ khí cho cả Nga và Ukraine
Bộ Quốc phòng Serbia bác 'tin mật' chuyển giao vũ khí cho cả Nga và Ukraine

Belgrade bác bỏ thông tin từ báo cáo đóng dấu "mật" bị rò rỉ của Lầu Năm Góc về việc nước này viện trợ sát thương cho cả Nga và Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN