Nga siết chặt kiểm soát tại tiền đồn lớn nhất châu Phi của Wagner

Cộng hòa Trung Phi là tiền đồn lớn nhất của Wagner Group ở lục địa Đen, mặc dù nhóm này đã hoạt động ở ít nhất 4 quốc gia châu Phi.

Chú thích ảnh
Xe quân sự Nga tuần tra trên đường phố Bangui, thủ đô Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: AFP

Kể từ khi các thành viên của công ty quân sự tư nhân Nga, Wagner Group, lần đầu tiên đến đây cách đây 5 năm, họ đã tham gia vào các hoạt động an ninh và kinh tế của quốc gia nghèo khó nhưng giàu tài nguyên này. Mặc dù hoạt động phần lớn độc lập với Moskva, Wagner đã giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga vào châu Phi.

Cuộc chuyển giao nhẹ nhàng

Giờ đây, sau cái chết của ông chủ Wagner, Yevgeniy Prigozhin vào tháng trước trong một vụ tai nạn máy bay, các quan chức ở Cộng hòa Trung Phi cho biết chính phủ Nga đang chuyển sang nắm quyền kiểm soát trực tiếp hơn 1.000 lính đánh thuê Wagner ở đất nước họ.

Tổng thống CH Trung Phi Faustin-Archange Touadéra cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các chiến binh Wagner sẽ ở lại đất nước của ông theo thỏa thuận của ông với Moskva và tiếp tục cung cấp bảo đảm an ninh vào “thời điểm khó khăn” khi Cộng hòa Trung Phi tiếp tục đấu tranh với các nhóm nổi loạn đã tấn công binh lính và dân thường ở vùng nông thôn.

Ông Touadéra, nhà lãnh đạo được bảo vệ bởi đội ngũ an ninh bao gồm các chiến binh Wagner mặc đồ kaki, cho biết: “Chúng tôi luôn ký hợp đồng với chính phủ Nga”.

Chú thích ảnh
Cụm tượng thể hiện hình ảnh các tay súng đánh thuê Wagner bảo vệ người dân ở thủ đô Bangui, CH Trung Phi. Ảnh: Medium

Trong tháng này, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-bek Yevkurov và Thiếu tướng Andrei Averyanov thuộc Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) đã đến thăm Bangui và thông báo cho Tổng thống Touadéra cũng như các quan chức hàng đầu khác của CH Trung Phi rằng sự hiện diện của Nga sẽ tiếp tục nhưng dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga. Tổng thống CH Trung Phi xác nhận cuộc gặp này, nói rằng: “Chúng tôi có quan hệ cấp nhà nước với Nga, vì vậy việc Thứ trưởng đến thăm chúng tôi trong bối cảnh mối quan hệ an ninh của chúng tôi là điều bình thường”.

Fidele Gouandjika, cố vấn của Tổng thống Touadéra, cho biết nếu các chiến binh Wagner không muốn tuân theo Bộ Quốc phòng Nga, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời đi. Ông Gouandjika nói: “Chính Nga đã cử họ đến, trang bị vũ khí cho họ, và Nga sẽ quyết định thời điểm Wagner rời đi”.

Cộng hòa Trung Phi là đại diện cho tiền đồn lớn nhất của Wagner Group trên lục địa, mặc dù nhóm này đã hoạt động ở ít nhất 4 quốc gia châu Phi và để mắt tới nhiều quốc gia khác.

Chuyến công du châu Phi của hai quan chức Nga Yevkurov và Averyanov còn bao gồm các điểm dừng ở Mali, nơi Wagner có sự hiện diện đáng kể và Burkina Faso, nơi các nhà lãnh đạo Wagner trước đây cũng cung cấp dịch vụ. Một quan chức phương Tây cho biết chuyến đi nhằm gửi một thông điệp rõ ràng: “Đế chế” rộng lớn của Prigozhin hiện nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Nga.

Một nhà ngoại giao phương Tây ở Bangui cho biết 450 tay súng Wagner đã rời khỏi đất nước sau cuộc binh biến tại Nga vào cuối tháng 6 đến nay vẫn chưa trở lại hoặc không được thay thế.

Tuy nhiên, về nhiều mặt, sự hiện diện của Wagner Group ở CH Trung Phi dường như không thay đổi. Trong những ngày gần đây, lính đánh thuê Wagner mặc đồ ngụy trang, đeo mặt nạ trượt tuyết và quấn khăn rằn xuất hiện quanh thị trấn để mua hàng tạp hóa, ăn uống tại khu ẩm thực ở trung tâm mua sắm mới nhất của Bangui và mặc cả mua ba lô ở chợ. Một số người đeo súng sau lưng và phóng quanh thành phố trên những chiếc xe bán tải màu nâu.

Chú thích ảnh
Các tay súng Wagner là một phần trong đội an ninh bảo vệ Tổng thống CH Trung Phi Touadera và các quan chức chính phủ hàng đầu khác. Ảnh: AFP

Không chỉ cung cấp dịch vụ an ninh, Wagner còn tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở CH Trung Phi, bao gồm một mỏ vàng khổng lồ, nhượng quyền khai thác gỗ và kinh doanh rượu.

Theo nhiều quan chức ở CH Trung Phi và phương Tây, sau cái chết của ông Prigozhin, hai thủ lĩnh khác của Wagner là Vitali Perfilev và Dimitri Sytyi, vẫn ở đây và nắm quyền. Nhưng cả hai không trả lời yêu cầu bình luận từ tờ Washington Post.

Sự giúp đỡ "ân cần" từ Nga

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Touadéra cho biết Nga không phải là lựa chọn đầu tiên của Cộng hòa Trung Phi. Nhưng khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông ước tính rằng 90% đất nước đã bị quân nổi dậy kiểm soát. Chính phủ cần vũ khí để tự vệ nhưng phải đối mặt với lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc áp đặt vào năm 2013, sau khi một lực lượng nổi dậy lật đổ chính phủ. Kể từ khi CH Trung Phi giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960, các phe phái vũ trang đối địch đã tranh giành quyền kiểm soát.

Ông Touadéra nói: “Chúng tôi không có đủ phương tiện để trang bị cho lực lượng của mình”. Ông nói, chính người Nga, chứ không phải Pháp hay Mỹ, mới là những người “ân cần” đồng ý giúp đỡ.

Tiếp sau các loại vũ khí, huấn luyện viên quân sự Nga được cử đến vào năm 2018 để huấn luyện quân đội CH Trung Phi cách sử dụng vũ khí. Chẳng bao lâu sau, mọi việc đã rõ ràng - những huấn luyện viên đó chính là thành viên của Wagner, và số lượng đã tăng mạnh vào năm 2020, khi quân nổi dậy đe dọa lật đổ chính phủ ở Bangui. Các quan chức chính phủ ghi nhận các chiến binh Wagner đã cứu thành phố.

Chú thích ảnh
Tổng thống CH Trung Phi Touadéra trong chuyến thăm Nga vào năm 2018. Ảnh: AP 

Đồng thời, Tổng thống Touadéra cho biết ông sẽ sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ an ninh từ Washington và các nước khác. “Nếu Mỹ muốn gửi trợ giúp, chúng tôi sẽ nhận. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ thay thế Nga”, ông nói.

Roland Marchal, nhà xã hội học tại Đại học Sciences Po ở Paris, người đã nghiên cứu Cộng hòa Trung Phi trong nhiều năm, cho biết hầu hết các hoạt động của Wagner ở nước này sẽ tiếp tục, mặc dù có thể là trong một cơ cấu mới. Ông nói, các hoạt động của Wagner ở châu Phi thể hiện sự đầu tư chiến lược cho Nga, mang lại lợi ích tài chính sinh lợi và nâng cao ảnh hưởng chính trị của Moskva.

Ông nói: “Nếu bây giờ mất đi đòn bẩy này, họ sẽ rất khó lấy lại được. Người Nga vẫn ở đó”.

Chú thích ảnh
Một liên minh các nhóm nổi dậy đang chiến đấu để lật đổ chính phủ của Tổng thống Touadéra. Ảnh: Getty Images

Ngay cả khi các hoạt động của Wagner vẫn tiếp tục, cái chết của vị thủ lĩnh Prigozhin đã gần như hoàn toàn im ắng ở đây. Không có đài tưởng niệm hoặc tuyên bố chính thức của chính phủ. Ngay cả bộ máy tuyên truyền ủng hộ Wagner cũng tránh nhắc đến kết cục của Prigozhin.

Chính trị gia trẻ tuổi Trésor Adoum, làm việc tại Bộ Thanh niên và Thể thao và từng là một trong những người ủng hộ Wagner mạnh mẽ, nói rằng ông không lo lắng về tương lai, bởi vì quan hệ đối tác của đất nước luôn là với Nga chứ không phải với Prigozhin.

Adoum quyết định tưởng nhớ Prigozhin chỉ sau khi một nhà báo địa phương cho biết anh đang viết một câu chuyện về cái chết của ông chủ Wagner. Adoum mua hoa giả, gọi điện cho sáu người bạn và đặt bó hoa dưới chân bức tượng những người lính Wagner đang bảo vệ người dân Trung Phi ở trung tâm thành phố.

Ba tuần sau cái chết của Prigozhin, những cánh hoa giả bọc trong lớp nilon là dấu ấn duy nhất về cuộc đời ông được tìm thấy ở trung tâm của đế chế châu Phi mà ông gây dựng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)
Ba Lan và các nước Baltic đề nghị Belarus trục xuất lực lượng Wagner
Ba Lan và các nước Baltic đề nghị Belarus trục xuất lực lượng Wagner

Ngày 28/8, theo truyền thông Ba Lan, nước này và các quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva đã yêu cầu Belarus trục xuất nhóm lính đánh thuê Wagner khỏi lãnh thổ của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN