Nga sẽ không 'khoanh tay đứng nhìn'

Theo nhận định của giới phân tích, việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định ký hiệp ước liên kết với Ukraine, Moldova và Gruzia là một thất bại đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, song cuộc chiến cam go của Moskva nhằm tranh giành phạm vi ảnh hưởng trong không gian hậu Xôviết còn lâu mới kết thúc.

Nga đã phản ứng khá gay gắt khi thấy EU ký thỏa thuận liên kết với ba nước nói trên. Trao đổi với hãng tin AFP, giới phân tích cho rằng Nga sẽ tận dụng mọi cơ hội để phá hỏng tiến trình hội nhập của Ukraine, Moldova và Gruzia vào EU, nhưng đồng thời vẫn tìm cách để các mối quan hệ thương mại của riêng nước này với châu Âu không bị ảnh hưởng.

Nhà phân tích Maria Lipman của Trung tâm Carnegie Moskva nhận định: "Nga có khá nhiều lựa chọn trong việc sử dụng cả cây gậy lẫn củ cà rốt với những nước này". Moskva lập luận rằng các hiệp ước này đe dọa đến các nhà sản xuất của Nga vì nó cho phép hàng hóa châu Âu được tái xuất khẩu từ Ukraine thông qua các kênh bị đánh thuế ít hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/6 cảnh báo xã hội Ukraine sẽ bị chia cắt khi buộc phải lựa chọn giữa châu Âu và Nga. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 27/6, Điện Kremlin đã lên tiếng cảnh báo rằng Nga có thể áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại. Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn của Tổng thống Putin - ông Dmitry Peskov - nêu rõ: "Nhiều khả năng chúng tôi sẽ phải áp dụng hàng loạt biện pháp để bảo vệ nền kinh tế của chúng tôi".

Trong khi đó, Vasily Nebenzya, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, nói rằng có thể Nga sẽ nâng thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa của Ukraine. Đây sẽ là một cú đòn lớn giáng vào Ukraine vì 1/4 lượng hàng hóa của nước này được xuất sang Nga, trong đó có hàng hóa được sản xuất từ các ngành công nghiệp trọng điểm đóng tại miền đông vốn đã rối ren của nước này. Konstantin Kalachev, thuộc trung tâm tư vấn mang tên "Nhóm Chuyên gia Chính trị", đã dự báo về một thời kỳ "dậy sóng" sau khi EU ký hiệp ước liên kết với Ukraine, Moldova và Gruzia, cho rằng "chắc chắn phản ứng của Nga sẽ không hề tích cực".

Tuy nhiên, Moskva vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Moldova, Gruzia và Ukraine vì cả ba nước đều phụ thuộc vào các mối quan hệ kinh tế với Nga và có các khu vực thân Nga vốn đang đòi li khai. Ông Putin đã nói rõ rằng Nga vẫn bảo lưu quyền bảo vệ những người nói tiếng Nga thuộc khối Xô viết trước đây. Nhà phân tích Lipman cho rằng khả năng xảy ra một cuộc can thiệp vào Moldova giống như ở Crimea có thể không xảy ra, nhưng cũng phải là hoàn toàn được loại trừ.

Chủ tịch Ủy ban EU Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng EU Herman van Rompuy, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili, Thủ tướng Moldova Iurie Leanca (từ trái sang) tại lễ ký ngày 27/6. Ảnh: THX/TTXVN


Tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã dẫn đầu một phái đoàn tới thăm khu vực li khai Transdnestria của Moldova, gặp gỡ các lãnh đạo li khai và hứa hẹn sẽ hỗ trợ những người sắc tộc Nga ở khu vực này. Sự phụ thuộc của Moldova vào các khoản tiền gửi từ Nga khiến nước này đặc biệt dễ bị tổn thương. Chuyên gia Kalachev nói: Thực tế này sẽ khiến Nga dễ dàng gây rắc rối cho những người lao động di cư của Moldova.

Chiến lược của Moskva hiện nay là chứng tỏ cho EU thấy rằng "Ukraine là một nước yếu, không kiểm soát được lãnh thổ của mình", nhằm "làm giảm uy tín của Ukraine như là một đối tác của phương Tây". Nga sẽ tiếp tục tận dụng trữ lượng khí đốt của mình để duy trì ảnh hưởng đối với châu Âu, nhằm đưa ra yêu cầu rằng không một nước nào - Ukraine, Gruzia hay Moldova - gia nhập NATO. Nhà phân tích Lipman nhận định: Tất cả các nước này phải hiểu rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, phương Tây sẽ không thực sự bảo vệ họ.

Trong khi đó, châu Âu vẫn chưa dứt khoát về cách đối xử với Nga vì khí đốt xuất khẩu của nước này chiếm 1/3 năng lượng tiêu thụ của liên minh gồm 28 thành viên này. Một số nước thành viên EU đã rút khỏi các kế hoạch do Nga hậu thuẫn về việc xây dựng một đường ống dẫn khí vòng tránh qua Ukraine, song tuần này Áo đã phê chuẩn lần cuối đối với dự án này. Còn Pháp hiện đang xúc tiến hợp đồng cung cấp cho Hải quân Nga hai tàu sân bay trực thăng trị giá 1,6 tỷ USD.

Chuyên gia Kalachev nhận xét: "Liên minh châu Âu phải chứng tỏ rằng kinh tế quan trọng hơn chính trị. Các lệnh trừng phạt chỉ là con hổ giấy. Chuyên gia này cũng nói thêm rằng chỉ số tín nhiệm trong nước của ông Putin - trong những tháng qua đã vượt ngưỡng 80% trong khi nhiều đồng nhiệm của ông ở châu Âu lại lao đao trong các cuộc bỏ phiếu - cho thấy ông đã "khôn ngoan hơn thế giới".


TTK
Nga tìm cách đối phó thỏa thuận liên kết Ukraine-EU
Nga tìm cách đối phó thỏa thuận liên kết Ukraine-EU

Nga sẽ áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ nền kinh tế nếu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thỏa thuận liên kết mới do Ukraine, Gruzia và Moldova ký kết với Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN