Nga: Sẽ không còn “8 giờ vàng ngọc”?


Một trong những chính sách xã hội quan trọng ở Nga là ngày làm việc 8 giờ có vẻ đang bị đe dọa hủy bỏ. Thay vào đó là ngày làm việc 12 giờ, nói cách khác là tuần làm việc 60 giờ. Hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RSPP) bao gồm những đại gia - ông chủ của hàng triệu người lao động Nga, trong một phiên họp của mình đã thông qua điều khoản về tuần làm việc 60 giờ. Tuy nhiên điều khoản mới này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong dư luận nước Nga.

Ngày làm việc 12 giờ sẽ được áp dụng ở Nga?


Quyền lợi của người lao động bị tổn hại


Tờ Sự thật Thanh niên (KP) dẫn lời bà Oxana Dmitrieva, Phó Chủ tịch thứ nhất phái “Nước Nga Thống nhất” trong Đuma Quốc gia (Hạ viện), cho biết: “Mấy ngày trước có vẻ như dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động do RSPP đưa ra, sẽ không được thông qua sau những cuộc tranh cãi, phê phán rộng rãi của các chuyên gia, trên các phương tiện thông tin đại chúng và sự phản đối của dân chúng. Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Tính đến uy lực của các siêu đại gia trong RSPP, vẫn thường được gọi là “công đoàn của các trùm tài phiệt”, có khả năng chúng ta sẽ quay trở lại 200 năm trước, với ngày làm việc 12 giờ và quyền của những người làm công vốn đã yếu sẽ còn yếu hơn”.

Đảng “Nước Nga Thống nhất” lên án gay gắt những đề nghị sửa đổi Bộ luật Lao động vì chúng có hại và nguy hiểm từ khía cạnh kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, các tác giả của những sửa đổi lại biện luận rằng tuần làm việc 60 giờ cho phép những ai muốn làm việc nhiều hơn, kiếm tiền nhiều hơn không vấp phải những rào cản trong Bộ luật Lao động. Còn bà Dmitrieva thì lo ngại rằng nhiều ông chủ sẽ lợi dụng điều này để ép người lao động phải bỏ ra nhiều thời gian và sức lực hơn mới có thể nhận được đồng lương như trước.

Theo bà Dmitrieva, tuần làm việc 60 giờ làm tổn hại sức khỏe của những người lao động, tước mất thời gian của họ dành cho gia đình. Thậm chí ngay cả khi người lao động viết đơn cam kết tự nguyện kéo dài thời gian làm việc thì cũng không ổn do hai nguyên nhân. Thứ nhất, chẳng ai lạ gì chuyện cấp dưới “tự nguyện” chiều ý cấp trên. Thứ hai, bản thân người lao động không phải bao giờ cũng lường trước được khả năng và sức lực của mình. Trong một loạt nghề nghiệp sự kéo dài thời gian làm việc rất nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng của công nhân.

RSPP cũng thông qua những sửa đổi cho phép các ông chủ đơn phương thay đổi hợp đồng lao động không chỉ vì những nguyên nhân liên quan đến sự biến động các điều kiện về tổ chức và công nghệ mà còn vì những nguyên nhân mang tính kinh tế. Trên thực tế điều này có nghĩa là người sử dụng lao động khi gặp tình hình kinh tế khó khăn sẽ đuổi thợ bằng cách đơn phương hủy hợp đồng và chỉ trả trợ cấp cho hai tuần, chứ không theo quy định về giảm biên là trả trợ cấp cùng với lương cho hai tháng. Có nghĩa là những rủi ro trong kinh doanh bây giờ được đổ lên vai người làm công cho dù lỗi có thể là do người quản lý làm việc không hiệu quả và yếu kém chuyên môn.

Những người phản đối đề nghị của RSPP cho rằng việc mở rộng áp dụng hợp đồng lao động có thời hạn thay cho hợp đồng vô thời hạn cũng là một cách làm suy yếu vị thế của người làm công. Nếu thợ bắt buộc phải ký lại hợp đồng hằng năm với ông chủ thì anh ta trở nên phụ thuộc hơn, ít được pháp luật bảo vệ và dễ bị điều khiển. Trong trường hợp bị từ chối gia hạn hợp đồng thì anh ta bước ra đường để tìm công việc mới mà không được trợ cấp và hưởng lương hai tháng.

Công đoàn chống đến cùng

Tỷ phú Mikhail Prokhorov là doanh nhân nổi tiếng của Nga và là ông chủ của CLB bóng rổ New Jersey Nets (Mỹ). Ông đứng đầu Ủy ban về thị trường lao động của RSPP, tác giả của dự thảo sửa đổi Luật Lao động.

Hồi tháng 4/2010, Prokhorov lần đầu tiên bày tỏ ý định cải cách Bộ luật Lao động. Ông cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục đuổi thợ. Lúc đó “tối kiến” của nhà tỷ phú đã bị các tổ chức công đoàn Nga chỉ trích gay gắt. Dĩ nhiên, đề nghị tăng giờ làm của ông hiện giờ cũng không được những người bảo vệ quyền lợi của công nhân ủng hộ.

Thư ký Liên hiệp Các tổ chức công đoàn độc lập Nga (FNPR) Alexandr Shershukov nêu rõ: “Thứ nhất, không tồn tại sự sửa đổi (trong Bộ luật Lao động) chính thức nào hết. Hiện người ta chỉ đang thảo luận một dự thảo của cái văn kiện mà các nhà báo biết được một cách không chính thức. Thứ hai, các tổ chức công đoàn kiên quyết phản đối mọi sự sửa đổi đối với Bộ luật Lao động nêu trong văn kiện đó”.

Các tổ chức công đoàn đặc biệt bức xúc trước đề nghị của tỷ phú Prokhorov tăng giờ làm việc của người lao động lên 12 giờ mặc dù ông này nói là “chỉ với điều kiện thợ tự nguyện chấp thuận”. FNPR khẳng định rằng tại các xí nghiệp không tồn tại tổ chức công đoàn thì trước nguy cơ mất việc công nhân sẽ dễ dàng bị ép ký vào bất kỳ một cam kết nào, dù là có lợi hay không.

Trần Quang Vinh(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN