Nga sẵn sàng tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov tuyên bố, Mátxcơva sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm trong việc thiết lập một hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa chung ở châu Âu và sẵn sàng trở thành một thành viên đầy đủ của hệ thống này.

Phát biểu với kênh tin tức Vesti 24 ngày 13/12 (giờ Việt Nam), ông Serdyukov cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa chung sẽ giúp giảm chi phí quân sự và tài chính, đồng thời làm giảm mọi lo ngại của Nga. Tuy nhiên, ông Serdyukov nhấn mạnh, Nga trước tiên phải xác định mục tiêu của hệ thống phòng thủ tên lửa và vai trò của mình trong hệ thống này. Ông nói: "Tổng thống Nga đã khẳng định rằng Nga phải là một thành viên đầy đủ. Điều đó giúp loại bỏ mối lo ngại của Nga về mục tiêu thực sự của hệ thống".

Những chiếc Sukhoi PAK FA T-50, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga. Ảnh: Internet


Trước đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng nếu đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa thất bại thì trong 10 năm nữa, thế giới sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới và Nga sẽ "phải thực hiện các quyết định về triển khai vũ khí chiến lược mới".

Trong khi đó, ông Robert Pszczel, Giám đốc Trung tâm Thông tin NATO ở thủ đô Mátxcơva (Nga), cho rằng Nga và NATO có thể đạt được tiến bộ về việc thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa trong vòng một tháng. Ông Pszczel đề cao hợp tác song phương Nga-NATO nhưng không đưa ra thời gian cụ thể về dự án chung phòng thủ tên lửa.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nga Vladimir Putin thông báo, chính phủ nước này đã cam kết chi 646 tỷ USD đến năm 2020 để hiện đại hóa và trang bị lại vũ khí cho quân đội. Theo ông Putin, đây là một nguồn kinh phí lớn nhằm khắc phục hậu quả của quãng thời gian quân đội và hải quân Nga thiếu nguồn lực tài chính nghiêm trọng. Phát biểu trên được Thủ tướng Putin đưa ra tại xưởng đóng tàu hải quân SevMash ở thành phố Severodvinsk (miền bắc Nga). Theo đó, chương trình hiện đại hóa quân đội sẽ tập trung vào lực lượng hạt nhân chiến lược, hệ thống phòng không, thông tin liên lạc, tình báo, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và hải quân - lực lượng sẽ nhận được hơn 150 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Sergei Ivanov cho biết, 79% trong tổng số 646 tỷ USD sẽ dành để mua vũ khí mới, trong khi số còn lại sẽ được đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển.

Theo chương trình vũ khí quốc gia, Nga sẽ nâng cấp khoảng 11% vũ khí, khí tài hàng năm cũng như tăng tỷ lệ vũ khí hiện đại lên tới 70% vào năm 2020. Từ lâu, các lực lượng vũ trang Nga đã đề nghị tăng kinh phí để hiện đại hóa hệ thống vũ khí và cơ sở hạ tầng cũ kỹ do thiếu vốn đầu tư. Từ nhiều năm qua, Nga cũng tìm cách cải tổ các lực lượng vũ trang.

Thủ tướng Putin cũng khởi động việc tiến hành thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân lớp Borei thứ hai mang tên Alexander Nevsky có thể mang tên lửa liên lục địa Bulava. Dự kiến, tàu ngầm này sẽ hoạt động vào tháng 12/2011. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên, tàu Yuri Dolgorikiy, đã xong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ hoạt động trong nửa đầu năm 2011. Nga đang trong giai đoạn bắt đầu xây dựng tàu ngầm lớp Borei thứ 3. Dự án 3 loại tàu ngầm này là một dự án tham vọng nhất về hạm đội tàu của Nga kể từ thời hậu Xô Viết.

Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN