Nga nói 'không có cơ hội' gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov nói rằng thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sẽ "không có cơ hội" gia hạn.

Chú thích ảnh
Tàu chở hàng rời ARGO I cập cảng cảng Odessa, Ukraine. Ảnh: AFP

Theo đài RT, Thư ký Báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen "không có cơ hội" được gia hạn trong bối cảnh hiện nay.

Ông Peskov nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Izvestia hôm 18/6 rằng Nga đã "nhiều lần thể hiện thiện chí, nhượng bộ" và gia hạn thỏa thuận, nhưng những lời hứa với Moskva như một phần của thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện.

Người phát ngôn Peskov giải thích: “Khó có thể dự đoán một số loại quyết định cuối cùng ở đây, nhưng chúng tôi chỉ có thể nói rằng – xét trên thực tế dựa trên tình trạng mà chúng tôi hiện có – thỏa thuận này không có cơ hội”.

“Thỏa thuận bao hàm các hành động; hành động của các quốc gia hoặc tổ chức ký kết. Và một phần của thỏa thuận này đã được thực hiện, còn phần thứ hai, liên quan đến [những lời hứa với] Nga, chưa bao giờ được thực hiện", người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố.

Thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã được ký kết vào tháng 7/2022, bảo đảm việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine an toàn qua các hành lang ở Biển Đen để đổi lấy việc Mỹ và EU gỡ bỏ các trở ngại đối với việc xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và phân bón của Nga. Phương Tây tuyên bố rằng họ không bao giờ hạn chế các mặt hàng đó, nhưng Moskva lập luận rằng họ vẫn không thể cung cấp chúng cho người mua nước ngoài do các lệnh trừng phạt về vận chuyển, bảo hiểm và môi giới, vốn được áp đặt lên Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Thỏa thuận ban đầu kéo dài trong 120 ngày, nhưng đã được gia hạn nhiều lần kể từ đó. Hiệu lực hiện tại sẽ hết vào ngày 17/7.

Phát biểu trước phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Phi tại St. Petersburg hôm 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng “việc cung cấp ngũ cốc của Ukraine cho thị trường thế giới không giải quyết được vấn đề của các nước châu Phi đang cần lương thực”.

Ông giải thích, mặc dù phương Tây hứa hẹn rằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ giúp các quốc gia nghèo nhất, nhưng chỉ có 3,1% lô hàng ngũ cốc của Ukraine đến châu Phi, trong khi 38,9% trong số đó đến EU.

Đầu tuần này, ông Putin cho biết Moskva “đang nghĩ đến việc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc này” vì không có gì được thực hiện để tạo thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết các hành lang an toàn ở Biển Đen đã được Ukraine sử dụng để phóng máy bay không người lái hải quân.

Trong khi đó, đầu tháng 6 này, Ủy ban châu Âu đã gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine sang Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria cho đến ngày 15/9.

Lệnh cấm trước đây của EU đối với lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine đối với 5 quốc gia thành viên đã hết hạn vào ngày 5/6.

Hồi tháng 5, Ủy ban châu Âu đã áp đặt "các biện pháp phòng ngừa đặc biệt và tạm thời đối với hàng nhập khẩu" đối với 4 mặt hàng từ Ukraine để giảm bớt tác động của việc giá giảm mạnh ở các nước láng giềng EU. Theo Ủy ban châu Âu, biện pháp này được ban hành để giải quyết những lo ngại của nông dân ở Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và Bulgaria, những người chịu thiệt hại đáng kể do dòng ngũ cốc Ukraine tràn vào.

Năm ngoái, EU đã đình chỉ thuế hải quan đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine trong một năm để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia đang hứng chịu xung đột. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa ngũ cốc giá rẻ đã khiến các nhà sản xuất EU phải vật lộn chống lại những gì họ coi là cạnh tranh không lành mạnh.

Xuất khẩu các loại ngũ cốc của Ukraine mà EU mô tả là "quan trọng để nuôi sống thế giới và giữ giá lương thực thấp" ban đầu được dành cho Châu Phi và Trung Đông, nhưng thay vào đó lại bị mắc kẹt ở Đông Âu, ảnh hưởng tới sinh kế của các nhà sản xuất địa phương.

Ngày 31/5, Ủy viên nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski cho biết cần phải gia hạn các hạn chế cho đến ít nhất là cuối tháng 10, bất chấp sự phản đối gay gắt từ Ukraine.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
CH Séc 'nóng' kế hoạch chôn chất thải hạt nhân xuống sâu lòng đất
CH Séc 'nóng' kế hoạch chôn chất thải hạt nhân xuống sâu lòng đất

Praha đang chạy đua để đẩy nhanh kế hoạch đầy tham vọng kéo dài nhằm xây dựng một kho lưu trữ địa chất sâu có thể cho phép chôn chất thải hạt nhân sâu nửa km dưới lòng đất trong 100.000 năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN