Nga khẳng định Cơ quan đặc nhiệm Ukraine đứng sau vụ tấn công cầu Crimea

Ngày 19/2, Ủy ban Điều tra Quốc gia Nga đã xác nhận vụ tấn công cầu Crimea hồi tháng 10/2022 do cơ quan đặc nhiệm của Ukraine tiến hành.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên nghi ngút sau vụ tấn công cầu Crimea hồi tháng 8/2022. Ảnh: TASS

Trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, ông Alexander Bastrykin, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Quốc gia Nga, cho biết giới chức đã xác định danh tính 12 cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện “hành động khủng bố” nhắm vào cây cầu nối đại lục Nga với bán đảo Crimea. Trong số đó có các công dân Ukraine, Armenia, Gruzia và Nga. Tám người trong số họ đang bị giam giữ.

“Các nghiên cứu của chuyên gia, bao gồm cả kỹ thuật viên, vẫn đang diễn ra dựa trên bằng chứng được tìm thấy tại hiện trường. Tất cả thông tin có sẵn đang được tổng hợp và phân tích để có bức tranh toàn cảnh về sự việc và xác định những kẻ liên quan đến tội ác này”, ông Bastrykin nói.

Giới chức Ukraine vẫn chưa bình luận về thông tin trên.

Trước đó, ngày 8/10/2022, Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga cho biết cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đại lục Nga đã bị hư hại do một vụ đánh bom bằng xe tải. Một chiếc xe tải đã phát nổ khi đang di chuyển dọc theo cây cầu dài 19 km. Vụ nổ xảy ra vào khoảng 6h sáng đã khiến một đoạn cầu dành cho xe ô tô bị sập. Vụ nổ cũng gây ra hỏa hoạn trên một đoàn tàu chở hàng ở đoạn cầu đường sắt song song, với 7 bồn nhiên liệu bốc cháy.

Hãng thông tấn TASS tiết lộ đã có 4 người thiệt mạng trong vụ nổ.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine gây ra vụ nổ. Ông Putin tuyên bố vụ tấn công do Ukraine thực hiện là “hành vi khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng cực kì quan trọng của nước Nga”. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng ra lệnh tiến hành đợt tập kích quy mô lớn bằng tên lửa vào Kiev cùng nhiều thành phố Ukraine để đáp trả.

Phía Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ nổ. Tuy nhiên, ngay sau khi Nga thông báo cơ sở hạ tầng quan trọng này đã bị hư hại do một vụ đánh bom, cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhail Podoliak cảnh báo vụ nổ cầu Crimea chỉ là khởi đầu. Trước đó, hồi tháng 8/2022, ông Podoliak cũng cảnh báo rằng cây cầu lớn nhất châu Âu “nên bị phá hủy” vì cho rằng đây là “công trình xây dựng bất hợp pháp và là cửa ngõ chính để cung cấp thiết bị quân sự cho quân đội Nga ở Crimea”.

Ngoài ra, các quan chức Ukraine cũng cam kết sẽ nhắm mục tiêu vào cầu Crimea, nối bán đảo Crimea của Nga với vùng Krasnodar của nước này. Tổng thống Volodymyr Zelensky và các thành viên khác trong chính quyền của ông cũng cảnh báo Ukraine sẽ sử dụng vũ lực để giành lại Crimea - vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014.

Video Toàn cảnh cầu Crimea phát nổ sáng ngày 8/10/2022 (Nguồn: The Guardian):

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo TASS)
Quan chức Ủy ban Quân lực Mỹ: 'Ukraine sẽ không chiếm lại Crimea bằng quân sự'
Quan chức Ủy ban Quân lực Mỹ: 'Ukraine sẽ không chiếm lại Crimea bằng quân sự'

Bình luận của quan chức này phản ánh một quan điểm ngày càng tăng rằng một số thỏa thuận sẽ cần phải được thực hiện để chấm dứt xung đột sau một năm giao tranh ác liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN