Nga duy trì mực nước làm mát cho nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) ngày 11/6 thông báo bể làm mát tại cơ sở này dự kiến không phải chịu cảnh nước bị giảm đi sau vụ vỡ đập Kakhovka, do lực lượng dịch vụ cứu hộ Nga đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, ngày 29/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

"Theo yêu cầu của ban quản lý nhà máy điện hạt nhân ZNPP, hôm nay, các nhân viên của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã tiến hành niêm phong các nút chặn (cửa của các công trình thủy lực) và làm sạch cổng giếng nước kỹ thuật tại bể làm mát của nhà máy. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo một nguồn cung cấp nước an toàn cho nhà máy”, thông báo của nhà máy nêu rõ.

Các chuyên gia cũng dự báo mực nước trong bể làm mát sẽ không giảm, giữ nguyên ở mức 16,67 m. Năm trong số sáu tổ máy của nhà máy hạt nhân đang ở chế độ tắt máy nguội và một tổ máy ở chế độ tắt máy nóng.

ZNPP cho biết tất cả các biện pháp đảm bảo an toàn hạt nhân đều được áp dụng, bao gồm cả những biện pháp liên quan đến hệ thống làm mát.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/6, đại diện phía Nga tại tỉnh Kherson, ông Vladimir Saldo, cho biết mực nước hạ lưu sông Dnieper có thể sẽ hạ thấp và trở lại bờ trước ngày 16/6. Theo ông Saldo, mực nước sông Dnieper đoạn chảy qua thành phố Nova Kakhovka hiện đã giảm 3 m so với mức đỉnh ghi nhận ngày 6/6. Hiện lực lượng chức năng bắt đầu tiến hành bơm hút nước lũ và dọn dẹp rác thải trên đường phố.

ZNPP là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, lấy nguồn cung nước làm mát chính từ hồ chứa Kakhovka. Tuy nhiên, sáng 6/6, đập Kakhovka trên sông Dnipro bị vỡ, gây ra ngập lụt lớn phía dưới hạ du, khiến nhiều làng mạc và thị trấn ở miền Nam Ukraine chìm trong biển nước.

Các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế tại Zaporizhzhia cho biết không có rủi ro an toàn hạt nhân ngay lập tức tại nhà máy này, bởi vì các bể làm mát đã đầy song tình hình có thể thay đổi nếu hồ chứa phía sau đập bị cạn nước đáng kể. Vụ vỡ đập được đánh giá không chỉ gây ra thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn, mà hồi chuông về thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất từ vụ Chernobyl đã được gióng lên.

Tới nay, cả Nga và Ukraine vẫn đang đổ lỗi cho nhau cho vụ việc con đập bị tấn công nhưng đều không đưa ra bằng chứng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Vụ vỡ đập Kakhovka: Mực nước hạ lưu sông Dnieper có thể bình thường trở lại vào tuần tới
Vụ vỡ đập Kakhovka: Mực nước hạ lưu sông Dnieper có thể bình thường trở lại vào tuần tới

Ngày 10/6, đại diện phía Nga tại tỉnh Kherson, ông Vladimir Saldo, cho biết mực nước hạ lưu sông Dnieper có thể sẽ hạ thấp và trở lại bờ trước ngày 16/6 sau khi dâng cao gây lũ lụt nghiêm trọng do vụ vỡ đập Kakhovka.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN