Nga đã gửi dự thảo thoả thuận cho Kiev, nói ‘bóng đang trong sân Ukraine’

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đã gửi một bản dự thảo thỏa thuận cho Kiev và khẳng định rằng lúc này "quả bóng đang trong sân của Ukraine".

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RIA 

Theo đài RT (Nga), bình luận về các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa Nga và Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, ngày 20/4 nói với các phóng viên rằng Nga đã chuyển cho Ukraine một "tài liệu dự thảo" với nội dung cụ thể.

“Quả bóng đang ở trong sân của họ, chúng tôi chờ phản ứng của họ”, ông Peskov nói. Khi được hỏi liệu có thời hạn nào để Ukraine trả lời hay không, quan chức Điện Kremlin cho biết rằng điều đó tùy thuộc vào Kiev. Tuy nhiên, ông Pesko lưu ý rằng “người Ukraine không tỏ ra có xu hướng đẩy mạnh quá trình đàm phán.”

Ông Peskov cáo buộc Ukraine “liên tục xa rời những lời nói của họ, liên tục thay đổi chúng”. Người phát ngôn Điện Kremlin kết luận rằng điều này được cho là thiếu nhất quán "đang gây ra những hậu quả rất xấu về mặt hiệu quả của các cuộc đàm phán."

Nhận xét của ông Peskov lặp lại những bình luận mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đưa ra trước đó cùng ngày 20/4, nói rằng Nga đã mất lòng tin vào các nhà đàm phán Ukraine. Phát biểu với kênh tin tức Rossiya 24 của Nga, bà Zakharova đã sử dụng một câu ngạn ngữ của Nga là "hãy tin tưởng, nhưng hãy xác minh", "bởi vì chúng tôi đã không có bất kỳ sự tin tưởng nào đối với những con người này trong một thời gian dài."

Bà Zakharova cho rằng chính phủ Ukraine không hành động độc lập mà bị điều khiển từ bên ngoài. Bà mô tả cách xử lý của “Kiev” đối với các cuộc đàm phán như một “màn xiếc”, nói rằng các nhà chức trách Ukraine liên tục thay đổi quan điểm của mình. Hơn nữa, đại diện Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc Kiev tham gia vào các cuộc đàm phán có thể chỉ là một chiêu nghi binh. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng Moskva đã “sẵn sàng cho điều đó”, khi đã chứng kiến kết cục của thỏa thuận Minsk đi đến đâu.

Chú thích ảnh
Các quan chức Nga và Ukraine tham gia đàm phán trực tiếp tại Brest, Belarus vào 3/3/2022. Ảnh: BelTA/Reuters 

Kể từ khi chiến sự bùng phát vào ngày 24/2, Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực diện và trực tuyến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngày 29/3 là lần cuối cùng hai đoàn đàm phán gặp mặt trực tiếp. Ngày 12/4, Tổng thống Nga Putin cho rằng cuộc đàm phán đã đi vào bế tắc. Ông giải thích rằng Ukraine đã từ chối thực hiện một số yêu cầu quan trọng của Nga, như công nhận Crimea thuộc Nga và các nước cộng hòa ở Donbass là quốc gia độc lập.

Phát biểu của ông Putin được đưa ra sau một thông báo của Ngoại trưởng Sergey Lavrov rằng Kiev đã đệ trình các đề xuất mới bằng văn bản khác với những gì đã được đưa ra trong các cuộc đàm phán trực tiếp. Theo ông Lavrov, đề xuất mới của Ukraine không đề cập đến việc các đảm bảo an ninh mà Kiev muốn có được phải không bao gồm Crimea.

Phát biểu trong cuộc họp giao ban hôm 19/4, cố vấn của tổng thống Ukraine Alexey Arestovich cảnh báo rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Moskva có thể bị dừng lại nếu quân đội Nga chiếm Mariupol, thành phố cảng có giá trị chiến lược trên Biển Đen.

Trong khi đó đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với kênh CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại Kiev vào ngày 16/4 “ít nhất chúng ta phải tìm được một số cuộc đối thoại với Nga”.

Ông Zelensky tiết lộ, một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga có thể bao gồm hai văn kiện riêng biệt bao gồm hai vấn đề chính: đảm bảo an ninh cho Kiev và mối quan hệ tương lai với Moskva. Phát biểu trước truyền thông Ukraine, Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng Điện Kremlin muốn có một tài liệu toàn diện đề cập đến tất cả các vấn đề. Tuy nhiên, vì các đảm bảo an ninh liên quan đến các quốc gia khác, nên hai văn kiện riêng có thể là một giải pháp.

Việc có được sự đảm bảo an ninh từ các cường quốc trên thế giới đã được Kiev coi là điều kiện quan trọng để chấp nhận tình trạng trung lập và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.

Nga đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng của mình vào 24/2, sau khi tuyên bố Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ cáo buộc cho ràng họ có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass bằng vũ lực.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Cấp vũ khí cho Ukraine: Thế khó của Mỹ và đồng minh trước 'lằn ranh đỏ'
Cấp vũ khí cho Ukraine: Thế khó của Mỹ và đồng minh trước 'lằn ranh đỏ'

Trận chiến quyết định cục diện ở Ukraine đã bắt đầu. Cách thức Mỹ và đồng minh châu Âu phản ứng ra sao trước giao tranh mới ở Donbass sẽ góp phần quyết định cục diện chiến sự và rộng hơn là cả nền chính trị thế giới thời hậu chiến tranh Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN