Trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/3 đã đáp trả lại phương Tây bằng yêu cầu thanh toán khí đốt của nước này bằng đồng ruble. Động thái này đã buộc Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải tuyên bố một “cảnh báo sớm” trong ngày 30/3 rằng nước này có thể sắp rơi vào tình trạng khẩn cấp về nguồn cung khí đốt. Đức nhập khẩu 55% khi đốt từ Nga trong năm ngoái.
Trong một tín hiệu được cho là mạnh mẽ nhất cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị một sự đáp trả còn gay gắt hơn đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin ngày 30/3 cho biết, gần như toàn bộ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu của Nga có thể được định giá bằng đồng ruble.
Ông Volodin cho rằng sẽ đúng đắn khi mở rộng danh sách hàng hóa xuất khẩu bằng đồng ruble của nước này, bao gồm cả ngũ cốc, dầu mỏ và gỗ.
Ông Volodin cho hay các nghị sĩ Duma Quốc gia ủng hộ quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin chuyển các khoản thanh toán khí đốt cung cấp cho các nước "không thân thiện" sang đồng ruble.
Nói về phát biểu trên, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là một ý tưởng nên được cân nhắc. Ông Peskov cho biết, vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD đã bị ảnh hưởng, và việc định giá các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga bằng đồng rouble là vì lợi ích của nước Nga và của các đối tác.
Châu Âu, khu vực nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga và thanh toán chủ yếu bằng đồng euro, cho biết tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga không có quyền thay đổi hợp đồng. Nga xuất khẩu hàng trăm tỷ USD khí tự nhiên sang châu Âu mỗi năm. Gazprom cho biết, đồng euro chiếm 58% các giao dịch xuất khẩu của tập đoàn này, trong khi đồng USD chiếm 39% và đồng bảng Anh chiếm khoảng 3%.
Tuy nhiên, ông Peskov cho hay Nga sẽ không ngay lập tức yêu cầu người mua phải thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, mà sẽ có một sự chuyển tiếp dần.