NATO không biết ông Kadhafi còn sống hay chết

Ngày 10/5, các máy bay trực thăng của NATO đã bất ngờ không kích dữ dội thủ đô Tripôli của Libi. Hãng tin AFP dẫn lời các nhân chứng cho biết Tripôli rung chuyển vì 8 vụ nổ diễn ra trong khoảng 3 giờ đồng hồ lúc sáng sớm. Theo nguồn tin từ các quan chức Libi, vụ không kích làm 4 trẻ em bị thương, trong đó có 2 em bị thương nặng. Trước đó, đêm ngày 9/5, hai cuộc không kích khác của NATO đã nhằm vào trụ sở Đài truyền hình Libi và hãng thông tấn JANA của nước này, gây hư hại nặng nề.

Một cuộc biểu tình ủng hộ nhà lãnh đạo Kadhafi ở ngoại ô Tripôli ngày 9/5. Ảnh: AFP - TTXVN

Ngay sau đó, NATO đã bác bỏ thông tin cho rằng các cuộc không kích vào Tripôli là nhằm tiêu diệt nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi, đồng thời khẳng định không biết ông này còn sống hay đã chết. Người phát ngôn của NATO, thiếu tướng Claudio Gabellini, tuyên bố các đợt không kích của NATO chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự.

Lực lượng nổi dậy tại Libi cùng ngày cho biết đã đẩy lùi quân đội chính phủ tại thành phố miền tây Misrata và sẵn sàng mở thêm một cuộc tấn công mới. Sau các cuộc giao tranh khốc liệt, phe đối lập đã kiểm soát tuyến đường ven biển miền tây của Misrata. Ahmad Hassan, người phát ngôn của phe nổi dậy tại Misrata, cho phóng viên AFP biết lực lượng này đang tiến tới thị trấn Dafnia và lên kế hoạch tấn công vào thị trấn Zliten. Cả hai thị trấn này đều nằm trên tuyến đường dẫn tới Tripôli.

Trong khi đó, HĐBA LHQ trong phiên họp ngày 10/5 (giờ VN) vẫn chưa thể đưa ra một nghị quyết mới cho phép phương Tây hành động mạnh hơn ở Libi, cũng như một giải pháp chính trị cho vấn đề này. Nga và Trung Quốc khẳng định phản đối mọi nỗ lực viện trợ cho lực lượng chống chính phủ ở Libi. Hai nước này ngày càng chỉ trích mạnh mẽ các hành động quân sự của NATO ở Libi, cho rằng những hành động này sát hại dân thường chứ không bảo vệ họ. Phương Tây cũng gặp phải sự chống đối ở HĐBA bởi một số thành viên trước đây ủng hộ nghị quyết bảo vệ dân thường Libi, nay quay sang chỉ trích phương Tây vì cho rằng quyền hạn mà nghị quyết cho phép đã bị phương Tây lạm dụng nhằm thay đổi chế độ và lật đổ chính phủ của nhà lãnh đạo Kadhafi.

lTại Ai Cập, ngày 10/5 chính phủ nước này đã siết chặt an ninh quanh các nhà thờ ở thủ đô Cairô sau khi xảy ra các vụ đụng độ tôn giáo trong hai ngày cuối tuần qua làm 12 người thiệt mạng, hơn 238 người bị thương và tạo bầu không khí căng thẳng giữa các tín đồ thuộc tôn giáo khác nhau.

Theo các nguồn tin nước ngoài, một hàng rào an ninh đã được thiết lập quanh nhà thờ Thánh Mina tại quận Imbaba, khu vực xảy ra các vụ xung đột giữa những tín đồ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo sau khi những người Hồi giáo tấn công một nhà thờ Thiên Chúa giáo để giải thoát một phụ nữ mà họ cho là bị giam giữ do muốn cải sang đạo Hồi. Ngoài ra, lực lượng an ninh Ai Cập cũng bắt giữ thêm 23 người, nâng tổng số người bị bắt giữ kể từ khi xảy ra xung đột lên 213 người. Trong đó, 190 người bị bắt giữ trong đợt đầu sẽ sớm được đưa ra xét xử tại tòa án binh.

lTại Xyri, ngày 10/5, các lệnh trừng phạt mà EU đã nhất trí áp đặt chống Xyri, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp trừng phạt đối với 13 quan chức nước này, đã chính thức có hiệu lực. Trước đó, các nhà ngoại giao EU cho biết, Tổng thống Xyri Bashar al-Assad không nằm trong “danh sách đen” bị trừng phạt.

Trong một diễn biến khác, Thời báo New York số ra ngày 10/5 cho biết chính phủ Xyri đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc nổi dậy kéo dài suốt 7 tuần qua. Trả lời phỏng vấn tờ báo, bà Bouthaina Shaaban, cố vấn của Tổng thống al-Assad, nói: “Tôi hy vọng chúng tôi đang chứng kiến đoạn kết của câu chuyện. Tôi nghĩ rằng giờ đây chúng tôi đã vượt qua thời khắc nguy hiểm nhất”.

Hồng Hạnh

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN