NASA: Băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn dự báo của LHQ

Ngày 15/8, các nhà nghiên cứu khoa học về Trái Đất, khí quyển và các hành tinh của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Phòng thí nghiệm Động cơ đẩy phản lực thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), hai trung tâm nghiên cứu công nghệ hàng đầu của Mỹ và thế giới, đã khẳng định, các lớp băng ở Bắc Cực đang mỏng đi nhanh hơn gấp bốn lần so với dự báo của Ủy ban liên chính phủ LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Ảnh minh họa, nguồn Internet


Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học MIT và NASA công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý đại dương số ra ngày 14/8 nhấn mạnh IPCC đã không tính đến các xu hướng đẩy nhanh sự tan băng sau khi băng bị mỏng đi và sự trôi dạt của các lớp băng ở Bắc Cực, đặc biệt là các lực cơ học như gió và các dòng hải lưu làm vỡ các lớp băng khiến tốc độ tan băng nhanh hơn. Vì vậy, việc mùa Hè không còn băng ở Bắc Cực có thể đến sớm hơn nhiều so với dự báo là vào năm 2100 của IPCC. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là tăng cường sự chính xác của các dự báo về sự mỏng đi của các lớp băng Bắc Cực thông qua tính toán tác động của các lực cơ học cùng với các hiện tượng khác tác động đến các lớp băng này mà IPCC chưa đánh giá hết hoặc đánh giá thấp.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy băng ở Bắc Cực đã bị mất đi 1/3 kể từ năm 1979 và diện tích được phủ băng ở Bắc Cực cũng đã giảm kỷ lục vào tháng Bảy vừa qua. Các nhà khoa học thế giới cũng cảnh báo băng ở Bắc Cực vào mùa hè có thể sớm trở thành chuyện của quá khứ. Chủ tịch IPCC, ông Rajendra Pachauri, nhấn mạnh điều quan trọng nhất phải làm hiện nay là bắt đầu can thiệp khẩn cấp để làm chậm lại quá trình này.

Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR) đưa ra dự báo lạc quan về vấn đề này. Theo đó, tốc độ tan băng sẽ chững lại trong khoảng 10 năm tới và phụ thuộc vào hai yếu tố: con người (50%) và sự biến đổi tự nhiên của khí hậu (50%).

Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN