Nam Xuđăng đối mặt với làn sóng tị nạn

Theo số liệu được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 10/1, các cuộc xung đột gần đây tại các bang Nam Côđôphan và Nin Xanh ở Xuđăng đã khiến hơn 80.000 người ở nước này vượt biên giới vào tị nạn ở Nam Xuđăng, trong khi 33.000 người khác đang tìm cách chạy sang quốc gia láng giềng Êtiôpi.

Trả lời phỏng vấn khi đang ở thăm Nam Xuđăng, Cao ủy Antonio Guterres cho biết quốc gia này có thể phải đối mặt với một "thảm họa nhân đạo trên diện rộng" nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. UNHCR đã cung cấp lương thực, nước uống và lều trại cùng các nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ những người tị nạn.



Một cậu bé trong trại tị nạn ở Nam Sudan. Nguồn: Internet.



Nam Xuđăng chính thức tách khỏi CH Xuđăng và trở thành quốc gia độc lập vào 9/7/2011. Quốc gia này hiện là một trong những nước nghèo nhất thế giới với cơ sở hạ tầng yếu kém và nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu mỏ.

Sau khi tách ra độc lập, Nam Xuđăng nắm giữ khoảng 3/4 trữ lượng dầu mỏ của Xuđăng trước đây. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu mỏ của nước này phụ thuộc vào tuyến đường ống chạy qua miền Bắc (CH Xuđăng) cũng như các cảng.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/1, Bộ trưởng Dầu khí và khai thác mỏ Nam Xuđăng, Stephen Dhieu Dau đã cáo buộc CH Xuđăng ngăn cản nước này xuất khẩu 3,4 triệu thùng dầu kể từ tháng 12/2011. Nam Xuđăng cho đây là hành động vi phạm luật quốc tế.

Trong khi đó, quan chức chính phủ Xuđăng cho rằng cáo buộc của Nam Xuđăng là "hoàn toàn vô lí".

Hiện hai nước vẫn chưa đi đến thống nhất về vấn đề chia sẻ lợi nhuận từ dầu mỏ và chi phí sử dụng đường ống dẫn dầu. Đây là một trong những vấn đề chưa được giải quyết theo Hiệp định hòa bình toàn diện năm 2005 chấm dứt hơn 20 năm xung đột giữa miền Bắc và miền Nam Xuđăng.



TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN